Thursday, November 28, 2013

Khi Mỹ bóp cò Thì Ngân Hàng Trung Quốc Sụp Đổ


Bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Getty Images
Hôm Thứ Năm 14/11, bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đấy là thủ tục thông thường để Quốc hội biểu quyết và phê chuẩn đề nghị của Tổng thống là bổ nhiệm bà Yellen vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, nôm na là làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, kể từ đầu năm tới.
Đang ngồi ghế Phó Thống đốc bên cạnh Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm, Janet Yellen là kinh tế gia nổi tiếng, có ông chồng George Akerlof cũng là kinh tế gia, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của nước Mỹ. Chuyện ấy đã hấp dẫn.
Hấp dẫn hơn vậy, giới nghiên cứu về đầu tư theo dõi rất sát cuộc điều trần, để từ chủ trương đường lối của bà Yellen mà dự đoán quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nhưng tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, lãnh đạo kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc cũng nên chú ý tới chuyện này. Vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể vô tình làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh và gây ra một vụ suy thoái kinh tế, tức là một vụ khủng hoảng chính trị.
Vô tình chiết liễu… liễu tan hoang.
Chúng ta phải đi từ đầu câu chuyện kinh tế mang ý nghĩa như một…. câu phú tử vi: “cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc!…”
Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng “Chính sách ZIRP” – là lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ gọi là “quantitative easing” (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la.
Nói cho dễ hiểu là làm cho kinh tế có tiền nhiều và rẻ hơn, với hy vọng giảm bớt và thu hồi lại nếu kinh tế phục hoạt, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng…
Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Ben Bernanke thông báo là nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn, Ngân hành Trung ương có thể “vuốt lại chính sách tiền tệ” – “tapering” – kể từ Tháng Chín. Nôm na là giảm bớt lượng tiền bơm ra hàng tháng và còn hút về lượng tiền đang lưu hành. Kết quả là tiền sẽ hiếm hơn nên lãi suất có thể tăng.
Chúng ta đụng vào một nghịch lý là tin mừng về kinh tế (chỉ dấu phục hoạt), lại dẫn tới tin buồn về tài chánh (làm tăng lãi suất ngân hàng và phân lời trái phiếu), khiến trị trường chứng khoán sụt giá mạnh. Và cả thế giới bị chấn động, vì sau nhiều năm tiền nhiều và rẻ khiến Mỹ kim sụt giá thì người ta đi vào một chu kỳ mới, là hối suất Mỹ kim sẽ tăng cùng lãi suất tại Hoa Kỳ. May là tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan, biện pháp thu hồi tiền tệ chưa được áp dụng.
Đấy là lúc giới đầu tư chú ý đến người sẽ lên thay ông Bernanke làm Thống đốc vào năm tới… Mà chuyện ấy liên quan gì tới Trung Quốc?
Thưa rằng vì trái đất hình tròn và đồng tiền biết lăn.
Đồng tiền mà nằm bên Mỹ thì ăn lời rất ít vì lãi suất quá thấp. Người khôn ngoan bèn vay tiền rất rẻ bên Mỹ để kiếm lời ở nơi cao giá nhờ có lãi suất cao hơn. Khôn nhất là các đấng con trời tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, v.v….
Họ vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là “Nhân dân tệ”, Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Thuật ngữ kinh tế gọi phép kinh doanh đó là “carry trade”, nếu dịch là “giao dịch lợi sai” hay “dung tư xáo lợi” thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn!
Mà không chỉ có vậy.
Năm 2008, khi Hoa Kỳ cắt lãi suất thì cũng là lúc Trung Quốc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế vì tình trạng co cụm của thị trường xuất cảng cả Âu lẫn Mỹ. Lãnh đạo xứ này bơm qua hai ngả là tín dụng và công chi. Vì đặc tính xã hội chủ nghĩa của xứ này là khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tín dụng từ hệ thống ngân hàng của nhà nước ưu tiên rót vào doanh nghiệp cũng của nhà nước, hay các công ty đầu tư địa phương do các cấp chính quyền địa phương lập ra.
Khối tín dụng tăng vọt từ những năm 2009 tạo ra phép ảo là kinh tế tăng trưởng mạnh khi toàn cầu đang bị suy trầm. Cái phép ảo còn kinh hại hơn vậy là nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường gia cư địa ốc. Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Và nhà nước phân quyền cho các địa phương tha hồ giành giật chia chác, vì đem lại 40% thu nhập ngân sách địa phương. Do đó, các ngân hàng của nhà nước, doanh nghiệp của nhà nước, cùng các đảng bộ ở địa phương thi nhau thổi bóng và tay chân cùng thân nhân của đảng viên cán bộ đều trở thành đại gia trong nền kinh tế ảo diệu này.
Khi núi nợ đã lên quá cao, lãnh đạo Bắc Kinh muốn kiểm soát hệ thống ngân hàng thì lại gặp một quy luật kinh tế khác, là “bít lỗ hà ra lỗ hổng”.
Đó là sự xuất hiện của các hình thức tín dụng ảo, là nghiệp vụ “shadow banking”, những hình thức đầu tư và cho vay mờ ám, thiếu sổ sách phân minh mà thừa rủi ro. Núi nợ tín dụng của Trung Quốc nay đã cao gấp đôi Tổng sản lượng nội địa và phân nửa là loại “ảo ảnh” sẽ bốc thành khói. Bên trong là những khoản tiền cho vay bằng kỹ thuật “carry trade”, vay tiền Mỹ với giá rẻ để tài trợ bằng loại tiền âm phủ là đồng Nguyên. Gọi là tiền âm phủ vì có giá trị của vàng mã.
Đấy là lúc chúng ta trở về với Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, nhiều nước Đông Á cũng đã khôn ngoan như vậy là vay tiền rẻ của Mỹ theo loại tín dụng ngắn hạn để tài trợ các nghiệp vụ dài hạn. Khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất là nhà nhà đều lật đật rút tiền về Mỹ. Nạn “tư bản tháo chạy” như nước thủy triều đã gây ra vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á vào năm 1997, dẫn tới suy thoái kinh tế 1998, và khủng hoảng ở nhiều nơi khác, kể cả Liên bang Nga.
Nhưng chính là vụ khủng hoảng đã khiến các nước Đông Á phải cải cách. Bị trước tiên mà sợ liều thuốc đắng, Thái Lan trì hoãn cải cách đến hơn chục năm mới thấy khá. Nam Hàn thì nuốt liều thuốc đắng và tháo gỡ vai trò của các tập đoàn “chaebol” – nguyên nghĩa là “tài phiệt” – nên sau khi chìm rất sâu thì đã bật lên rất mạnh.
Khi biến cố này bùng nổ vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Bắc Kinh còn đang hồ hởi với vụ Hương Cảng hồi quy cố quốc trước đó một ngày. Và thời đó, kinh tế Trung Quốc chưa hội nhập vào thế giới hình tròn của “toàn cầu hóa”, của nền kinh tế “nhất thể hóa”. Ngày nay thì đã khác xưa.
Luồng tư bản nóng đã như thủy triều chảy vào Trung Quốc và nhờ định hướng của nhà nước, với màu sắc Trung Hoa, đã dẫn đến nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Ngân hàng Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, ta sẽ thấy thủy triều rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là ngân hàng vỡ nợ, là nạn suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến một sự lạ.
Đó là Hoa Kỳ bóp cò bên này, bên kia đại dương là hàng loạt bóng bể và ngân hàng phơi thây.
Hoa Kỳ không là thủ phạm, nhưng dân Trung Quốc vẫn là nạn nhân, chỉ vì lãnh đạo kiêu căng và tay chân thì tham lam tưởng bở. Phải chăng, “tham sân si” cũng là một quy luật kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Sunday, November 24, 2013

Từng có một “siêu bão Haiyan” đổ bộ vào Việt Nam

Từng có một “siêu bão Haiyan” đổ bộ vào Việt Nam làm chết hàng chục ngàn người

Cách đây hơn 100 năm, miền Nam nước ta từng chịu đựng một cơn siêu bão kèm theo sóng thần, hậu quả còn thảm khốc hơn thế.
Bà con miền Trung nước ta vừa may mắn thoát khỏi một tai họa khủng khiếp khi siêu bão Haiyan đã không đổ bộ vào đất liền. Những thông tin, hình ảnh về hậu quả bão Haiyan vừa “vùi dập” nước láng giềng Philippines khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng bởi sự khủng khiếp của nó: Hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà bị tàn phá, cả một thành phố bị san bằng...
Siêu bão số 1 kèm theo sóng thần
Đó là cơn bão năm Giáp Thìn - 1904. Kỳ lạ là cơn bão đầu tiên trong năm này (bão số 1) ập vào Nam Bộ cuối mùa khô, khi mới có vài cơn mưa đầu mùa. Đây là trận bão kèm theo sóng thần duy nhất được ghi nhận ở vùng đất Nam Bộ, là trận sóng thần kinh hoàng nhất được ghi nhận trên toàn cõi Việt Nam từ xưa tới nay.
Tâm bão, kèm theo là sóng thần, đổ bộ vào vùng đất Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), rồi lan rộng ra các vùng chung quanh như Mỹ Tho, Long An, Bến Tre, Sài Gòn...
Bờ biển Gò Công- nơi đón cơn bão năm Giáp Thìn - 1904.
Nhiều cuốn sách, bài báo đã viết về trận bão kinh hoàng này, trong đó 2 tác giả Huỳnh Minh với “Gò Công xưa và nay” và Việt Cúc với “Gò Công cảnh cũ người xưa” đã ghi lại nhiều tư liệu về trận bão năm Thìn này.
Hôm ấy vào ngày 16.3 âm lịch (nhằm ngày 1.5.1904). Mọi người không ai nghĩ là sẽ có một trận bão tố sắp xảy ra vì từ trước
tới nay Nam Kỳ vốn là đất hiền hoà, ít thiên tai. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Gò Công, Mỹ Tho (đều thuộc Tiền Giang ngày nay), Tân An, Chợ Lớn (Long An nay), Gia Định (TP.Hồ Chí Minh nay) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng gần bờ biển đã bị sóng thần cao đến 4-5m lôi cuốn đi mất. Sóng thần tiến vào các sông ngòi và có ảnh hưởng đến tận Bến Lức (Long An), cách bờ biển khoảng 50 cây số.
Hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho bị ảnh hưởng của cơn bão nặng nề nhất. Nhiều làng ven biển ở Gò Công đang làm lễ cúng thần, xây chầu hát bội thì cuồng phong nổi dậy ầm ầm, mây mù tứ phía, mưa tuôn xối xả, sóng nước tràn vào. Những đợt sóng đầu tiên cuốn mất nhà cửa, nước dâng thật nhanh, lên cao 4-5m, ngập lút cả ngọn cây. Ở Vàm Láng không chỉ các ghe nhỏ, mà cả tàu sắt cũng bị quăng lên bờ.
Nhiều người mắc kẹt trên các ngọn cây, hai ba ngày quần áo rách tả tơi, đói khát. Một số người sống sót nhờ đeo bám theo các đống rơm trôi lênh đênh trên mặt nước. Rắn rít bám theo các ngọn cây nóc nhà, một số người bị rắn cắn chết.
Có 6 làng ven biển bị tổn thất rất nặng là: Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình Ân, Tân Bình Điền, Tăng Hoà và Tân Thành. Quá bất ngờ vì bão tố diễn ra trong nháy mắt, hầu như gia đình nào cũng bị tản mát trôi theo dòng nước, có người trôi tận tới Cần Đước (Long An), Chợ Đệm (Gia Định), cách Gò Công trên dưới 50km.
Xác người vắt đầy trên cây
Ở Gò Công và các vùng lân cận, qua ngày 17.3 âm lịch, nước mới rút cạn được một nửa, còn khoảng 1,5m. Người ta bơi xuồng đi khắp nơi để tìm xác người thân. Và tới hôm sau nữa thì mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19.3 âm lịch, chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, gặp đâu chôn đó. Hàng trăm gia đình không còn ai sống sót, hàng ngàn gia đình có người chết.

Dinh Tỉnh trưởng Gò Công từng bị sụp đổ do cơn bão năm 1904.
Các vùng lân cận của tỉnh Gò Công có bán kính năm sáu chục cây số như Bến Tre, Mỏ Cày, Tân An cũng bị thiệt hại nặng nề. Đèn đường, dây thép (điện thoại, điện tín) ở thị xã Gò Công, TP.Mỹ Tho ngã đổ khắp nơi, thậm chí dinh tỉnh trưởng cũng bị sập đổ. Cây cối ngã rạp la liệt bít cả lối đi, xác người nằm vắt trên cây hoặc bị mắc kẹt trong các bụi cây.
Kết quả thống kê thiệt hại của hai tỉnh Gò Công cho biết: Trên 60% nhà bị sập đổ, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển, 80% gia súc bị chết...
Vào cái ngày định mệnh đó, đúng lúc đình làng Tân Bình Điền (Gò Công) đang hát tuồng Quan Công phò nhị tẩu, dân chúng xem rất đông. Đang hồi gay cấn hấp dẫn thì bão tới, sóng biển ập vào, người xem, đào kép đua nhau bỏ chạy tán loạn. Đến khi chính quyền tổ chức kiếm xác thì người ta tìm thấy cả xác “Quan Công”, “Tào Tháo” nằm vắt vẻo trên ngọn tre, đống rơm, mặt mày còn nguyên son phấn!
Thị xã Tân An cách biển khoảng 50 cây số cũng bị ảnh hưởng nặng. Theo mô tả của Đào Văn Hội trong “Tân An ngày xưa”, thì xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho cũng bị đổ nhào: “Xe lửa chạy tới Tân An/Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào”.
Nước sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp bị nước cuốn trôi. 7 giờ sáng ngày 17.3 âm lịch, mưa tạnh dần, nước rút dần. Quang cảnh lúc ấy trông thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc đến chín mươi phần trăm. Trên sông Vàm Cỏ xác người nổi, trôi theo dòng nước.
Đến thập niên 1950, ở vùng Gò Công, Mỹ Tho, Tân An vẫn còn tổ chức “giỗ hội” vào ngày 16.3 âm lịch. Vào ngày ấy, hàng ngàn đám giỗ được tổ chức, hầu như nhà nào cũng có giỗ. Cảnh “giỗ hội” đã đi vào ca dao: “Tháng ba, mười sáu lai niên/ Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung”. Thế hệ những người chết trong cơn bão Giáp Thìn - năm 1904 giờ đã lên hàng “cố”, hàng “sơ” của những người đang sống, nên hầu như ít còn được cúng giỗ, dấu ấn về “giỗ hội” cũng từ đó mà nhạt nhòa dần.
Giống như Tacloban của Philippines
Ngày ấy, cơn siêu bão đã tàn phá thành phố Sài Gòn không khác gì thành phố Tacloban của Philippines vừa qua. Tờ Nam Kỳ tuần báo (do Hồ Văn Trung - tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm) số 85, ra ngày 8.6.1944, có bài “Trận bão năm Thìn” của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn. Cơn bão diễn ra đúng vào ngày chủ nhật - 1.5.1904.
Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp. Trong bài diễn văn của mình, một quan chức Sài Gòn dõng dạc tuyên bố: “Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nên thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…”.
Sáng 1.5, từ 8h cho đến 12h tại Sài Gòn mưa cứ lâm râm. Đến 13h trưa gió bắt đầu thổi mạnh và đến 15h chiều gió càng dữ dội. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 16h chiều, trời đã tối sẫm, điện bị cúp.
Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu, gió mạnh cứ thổi tắt hoài. Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị huỷ bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau. Bài báo mô tả: “Đến 17h chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đốn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở”.
Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, sà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bi sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm. Đến 19h tối, các chiếc tàu lớn Canebière, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm 4 chiếc ghe chở đá của bà Roussel, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng.
Chỉ riêng các ghe chở lúa, chở dầu, chở hàng hóa có đến 43 chiếc bị chìm trong đêm hôm đó. Từ 22h đêm, trời đã bớt dông nhưng mưa vẫn ào ào như trút cho tới sáng hôm sau mới ngớt.
Thống kê sơ bộ có hơn 900 cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường Sài Gòn. Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn (tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho), có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giật đứt mái nhà ở đềpô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá khác. Cách đó mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai!...”.

Thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra chỉ riêng tại Sài Gòn đã lên đến 40 triệu đồng, tương đương với khoảng 1.000 tỉ đồng ngày nay. Số người chết ở riêng Sài Gòn lên đến hơn 3.000 người!
http://laodong.com.vn/xa-hoi/tung-co-mot-sieu-bao-haiyan-do-bo-vao-viet-nam-lam-chet-hang-chuc-ngan-nguoi-159468.bld

Saturday, November 23, 2013

Xem hình
Miếu đền bá tánh luôn hương khói,
Sao lại co đầu rút dưới mu?!




VỊNH THẦN KIM QUY

Hơn cả đế vương, sá kể hầu,
Người người nể mặt, há chơi đâu.
Miếu đền bá tánh luôn hương khói,
Sao lại co đầu rút dưới mu?! *

                                 Kha Tiệm Ly


Họa:


Ơn thần Kim Quy

Dẫu chẳng đế vương chẳng tước hầu
Vì đời trừ bạo muốn chi đâu.
Móng chân tiềm ẩn siêu thần lực
Hành sự đầu không ló khỏi mu !
                      
                       Trần Như Tùng


 VỊNH RÙA ĐỘI CHÂN ĐÈN

 
Có khối người nghinh lẫn kẻ hầu
Trong ngoài phủ phục kém ai đâu?

Đội đèn, mi ngỡ mình nên Thánh
Nhưng vẫn vì mu mãi rúc đầu!
(To nhỏ đầu nào cũng nép mu!)


                           Thanh-Huyền

http://datdung.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9753#axzz2lV5sBrlK

Câu đối năm Giáp Ngọ:


Câu đối năm Giáp Ngọ:


Năm Qúy Tỵ, thế gian lươn lẹo khắp nơi, khẩu Phật tâm xà, Qúy đâu? chỉ thấy mùi kỷ mậu.

Tết Giáp Ngọ, nhân loại la hét vang trời, tinh binh chiến tướng, Giáp này, quyết chí thử canh tân.



                                                   Thanh-Huyền


  
Tết đến thiên hạ tranh tay mời tranh Tết
Xuân về bá tánh hoa mắt ngắm hoa Xuân



1/- Năm Qúy Tỵ đã quý còn tỵ, chỉ thấy tỵ không thấy quý


2/- Giáp một giáp, giáp này lại giáp

1.- Xuất: Năm Qúy Tỵ, đã quý còn tỵ, chỉ thấy tỵ không thấy Qúy
     Đối  : Tháng Tân Dần, chưa tân đã dần, mãi lo dần chẳng lo tân

2.- Xuất: Giáp một giáp, giáp này lại giáp
     Đối  : Tân nhật tân, tân phải là tân

                                                                                    Thanh Huyền:

1/.Nguyễn Gia Khanh xin đối 2 câu mời đối của Thanh huyền:
1.                                Xuất:
Năm Quý Tỵ đã quý còn tỵ, chỉ thấy tỵ không thấy quý.
                                    Đối:
Tuổi Kim Lâu tham kim tiếc lâu, rày tan lâu cả tan kim*
* Kim lâu: (Kim: vàng; Lâu: lầu) = nhà lầu
2.                     Xuất:
Giáp một giáp , giáp này lại giáp
                        Đối:
Canh năm canh, canh ấy còn canh

 

Wednesday, November 20, 2013

Ai chịu trách nhiệm, khi hàng chục người chết vì lũ?

VỊNH ÔNG THỦY ĐIỆN

Nước này nào phải của riêng ông
Thủy điện, quy tiền cả núi sông
Nắng hạn be bờ, mưa xả. Lũ
Kia, Dân chết chẳng xuyến xao lòng
                       
Thanh-Huyền

Thứ ba 19/11/2013 10:24
ANTĐ - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) kiến nghị phải điều tra xử lý, thậm chí là xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng hàng chục người dân chết vì lũ lụt, thiệt hại về tài sản rất lớn.

Sáng 19-11, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường xung quanh báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến các dự án thủy điện.

Việt Nam đã phòng chống siêu bão Haiyan rất tốt, hạn chế được thiệt hại về người, tài
sản, nhưng ngay sau đó lại để lũ lụt cướp đi tính mạng của hàng chục người dân
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng thời gian vừa qua số lượng, quy mô cường độ lũ lụt tăng, một phần nguyên nhân do các dự án thủy điện. Người dân đã nhường đất hy sinh cho thủy điện, nhưng tại các dự án tái định cư tỷ lệ hộ nghèo cao, có nơi chiếm 50%, còn trung bình chiếm gấp 3 lần tỷ lệ bình quân cả nước. “Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có nói là dự án thủy điện phải trích 1 phần lợi nhuận để hỗ trợ đồng bào tái định cư, nhưng đến thời điểm này, việc này chưa được thực hiện. Tôi đã chất vấn về vấn đề này tại nghị trường và 2 lần gửi câu hỏi đến Bộ Công thương, nhưng đều được trả lời là trách nhiệm của Bộ NN&PTNN. Vì vây, tôi kiến nghị xem xét xem rõ trách nhiệm của bộ nào?”- ông Học nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề cập đến vấn đề thời sự đang diễn ra: Đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong nước, lũ chồng lũ, dư luận cho rằng nguyên nhân do thủy điện mà ra, vậy xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này thế nào, không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của người dân vùng hạ lưu.
Cần tìm ra giải pháp căn cơ để đảm bảo tính mạng, tài sản người dân vùng lũ là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh). Ông cho rằng Chính phủ và các bộ ngành đã rất tích cực khi tình trạng bão lũ xảy ra, vừa qua có ít nhất 2 Phó thủ tướng trực tiếp đi chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ, các cơ quan đoàn thể, cá nhân cũng thể hiện tinh thần sẻ chia “áo lành đùm áo rách”. Tuy nhiên những vùng này năm nào cũng xảy ra bão lũ, làm đời sống nhân dân ngày càng nghèo, nếu không có giải pháp căn cơ thì các Phó thủ tướng vào chỉ đạo, xong quay ra, nhân dân lại bị.
“Cử tri kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi bị bão lũ gắn với nông thôn mới, quy hoạch lại thủy lợi thủy điện, xây dựng nhà tránh lũ bằng nhiều nguồn vốn... không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền, người dân không biết”- Ông Phúc phát biểu - “Tôi tán thành là phải điều tra xử lý, thậm chí là xem xét trách nhiệm hình sự vài vụ cho nghiêm. Không thể để tình trạng hàng chục người chết, thiệt hại tài sản lớn mà không ai chịu trách nhiệm”
Sau một loạt các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát có ý kiến trả lời ban đầu, theo đó thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương tiến hành khảo sát đánh giá về tình hình thực hiện di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và có báo cáo gửi đến các Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở khảo sát đánh giá, Bộ NN&PTNT đang lập đề án, chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu, trên cơ sở đề án này sẽ trình với Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục khó khăn, tồn tại.
“Cũng trên cơ sở khảo sát này, chúng tôi cũng đang chỉ đạo soạn thảo dự thảo, để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư công trình thủy lợi, thủy điện nói chung. Trong thời gian vừa qua chúng tôi tập trung vào cùng với các địa phương có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về di dân tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và sửa đổi những cơ chế chính sách có liên quan để thực hiện các công trình thủy lợi đó”- Bộ trưởng Cao Đức Phát chốt lại.

An Huy

Tuesday, November 19, 2013

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam qua chứng cứ từ Trung Quốc

Chúng cũng biết là của Việt Nam
Cậy mình sức mạnh nổi lòng tham
Bá quyền, Dân Việt ai chưa hiểu?
Kẻ cướp việc chi chúng chẳng làm!

Kẻ cướp việc chi chúng chẳng làm!
Chữ vàng, bốn tốt kẻ nào ham?
Mù đui phải thấy mờ mờ chứ?
Gọi giặc là thày, mất Việt Nam!



Thứ ba 19/11/2013 09:42
Các tài liệu cổ Trung Quốc ghi nhận việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Các thư tịch cổ Trung Hoa như Đường thư nghệ văn chí đời nhà Đường, đề cập tới cuốn sách Giao Châu dị vật chí của Dương Phu với những chuyện kỳ dị ở Giao Châu (Việt Nam) trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu.

Đời Tống, sách Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận “Vạn lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ dương (biển Giao Chỉ, tức Vịnh Bắc bộ ngày nay)”.

Đời nhà Minh, trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ dương và nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt, nhất là từ năm 1427, sau khi Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt.


Trong tập Hải Ngoại ký sự, quyển 3, viết năm 1696 của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) có nhiều đoạn miêu tả về Hoàng Sa gọi là “vạn lý Trường Sa” của Việt Nam. Hòa thượng Thích Đại Sán được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng vào năm 1695 và trở về nước năm 1697 để truyền bá Phật pháp. Những lần đi về qua vùng “vạn lý Trường Sa” bằng đường thủy, hay đến vùng Thuận Quảng: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., Hòa thượng Thích Đại Sán đã nghiên cứu và viết lại hoạt động của đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền của Việt Nam, trong Hải ngoại ký sự khá tường tận.


Trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ Trung Quốc từng đi nhiều nơi kể lại: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.

Cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư xuất bản năm 1906 đời nhà Thanh ở trang 241 có ghi: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18013’ Bắc”. Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, có tọa độ từ vĩ độ 15045’ đến 17015’ Bắc và quần đảo Trường Sa có tọa độ từ vĩ độ 06000’ đến 12000’ Bắc. Như vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Cho tới đầu thế kỷ XX, không một tài liệu nào (cả sách và bản đồ) của Trung Hoa xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Thế nhưng, từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu tiên là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thể kỷ hình thành yêu sách toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách “lưỡi bò” (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1956, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974, chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995, đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía nam quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, coi Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) thừa nhận có tranh chấp, chủ trương “chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng, không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.

Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau, ngoại giao đi trước hải quân đi sau, văn công, vũ vệ; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật. Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.

Trước những yêu sách và hành động vô lý của Trung Quốc, nhiều học giả của Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mà điển hình là học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, giáo sư Lý Quốc Hưng thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, học giả có bút danh “Bao Phác Tiên Nhân”…

Học giả Lý Lệnh Hoa đã phát biểu: Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật…, trên toàn thế giới từ xưa đến nay không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Họ tự vẽ bản đồ “đường lưỡi bò” trùm lên các khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và sát với vùng biển Natuna được đánh giá rất giàu tiềm năng khí đốt của Indonesia.

Ông cũng kịch liệt phản đối động thái thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và lên án hành động chính quyền Trung Quốc cho Công ty Dầu lửa Hải Dương mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Ông khẳng định: “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một công ước vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và tương lai tốt đẹp của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Vấn đề Nam Hải tuy cũng liên quan các luật quốc tế khác, nhưng giải quyết vấn đề Nam Hải, như địa vị pháp lý của các đảo nhỏ, xác định đường cơ sở lãnh hải và nguyên tắc phân định ranh giới biển, đều chủ yếu dựa vào các điều khoản của Công ước”.

Như vậy, một lần nữa, từ các chứng cứ của Trung Quốc, chúng ta khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Báo Hậu Giang
http://infonet.vn/Bien-dao/Chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-cua-Viet-Nam-qua-chung-cu-tu-Trung-Quoc/120599.info

Monday, November 18, 2013

Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’?

18-11-2013


Nước này nào của riêng ai nhỉ?
Lũ nọ hung tàn giết dân đen

Nước này chiếm riêng, bán buôn thoải mái, chúng tha hồ hốt bạc
Lũ nọ giết người, ngập lụt trôi nhà, Dân chỉ biết khóc than.

Người dân nghèo Việt Nam thật quá cam chịu! Dân tộc Việt Nam thật quá nhẫn nhục!

Ảnh bên:Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người dân phải lên nóc nhà, theo báo VN

Cả rẻo đất hình chữ S đã quằn quại trong một thảm cảnh vô cảm đồng loại chưa từng có! Những vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến ba chục mạng người mà vẫn không một quan chức nào phải chịu trách nhiệm!


Những cái chết tang thương đã đột ngột trùm lên vùng lũ miền Trung vào giữa tháng 11/2013, trong mùa mưa to gió lớn cùng với trận dịch xả lũ của đồng loạt 15 hồ thủy điện.

Đáy trách nhiệm và đỉnh phẫn uất

Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt. Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.

Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.

Vụ xả lũ của 15 hồ thủy điện lại nằm trong chuỗi “giết sống” người dân một cách có hệ thống trong mùa mưa bão. Vào giữa tháng 9/2013, đã có một chứng thực mang tính bất chấp với cú xả lũ thình lình vào vùng trũng lòng dân Đắc Lắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến ít nhất 11 người mất tích.

Không thể gọi khác hơn, người dân vùng rốn lũ đã bị ép chặt vào một cái đáy không lối thoát.

“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng là đêm không ngủ. Những nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại. Nhưng đã không một hành động nào được các “đày tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.

Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. “Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.

Tội ác

Tội ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Người ta nên nhớ trong những năm 2007-2008, tập đoàn EVN đã làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán. Để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.

EVN cũng đã hóa thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Cơ quan chủ quản của tập đoàn này - Bộ Công thương - cũng rất thường bị dư luận nghi ngờ về không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn đốn dân tình.

Giờ đây, sau tất cả những hậu quả không thể tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả lũ”.

Ảnh bên: Thủy điện Sông tranh (2) ở Quảng Nam xả lũ với lưu lượng hơn hai nghìn m3/giây

Để sau hàng loạt vụ xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.

Với nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước quá kém dân chủ. Dân chủ càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.

Nhưng ở Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất đích đáng nào dành cho quá nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình mà có lẽ còn lâu mới được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.

Ở Việt Nam, người ta vẫn trầm uẩn lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng nơi hoàng cung quốc hội, bên lề báo giới và trong vô số hiện tồn ngổn ngang vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm.

Xót xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Không thể nói khác hơn, tội ác của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa phải tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.

"Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương."

Không cần và không còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.

Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.

Đã đến lúc xã hội dân sự cần lên tiếng ở Việt Nam. Một xã hội của người dân, trí thức và những người còn lương tâm trong Đảng.

Trách nhiệm ấy, không thể khác hơn là phải khởi tố vụ án xả lũ gây chết người, trong đó không thể loại trừ trách nhiệm của những quan chức cấp ủy viên trung ương đảng như ông Vũ Huy Hoàng.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Kiến nghị bảo vệ ngư dân miền Trung

Cập nhật: 10:21 GMT - thứ hai, 18 tháng 11, 2013
Tuy không cùng bọc sinh ra
Sao Ông lo lắng dân ta thế này?
Nhục cho cũng kẻ râu mày

Dân  cùng một Nước phủi tay đứng nhìn!
Thân nhân ngư dân Lý Sơn
Ngư dân Lý Sơn đã nhiều lần bị Trung Quốc ngăn chặn và hành hung
Công dân mới của Việt Nam, Hồ Cương Quyết, khởi xướng kiến nghị trên mạng kêu gọi 'bảo vệ ngư dân miền Trung trước sự gây hấn của Trung Quốc'.
Ông Hồ Cương Quyết, tên Pháp là André Menras, lập trang tiêu đề "Bảo vệ ngư dân miền Trung Việt trước sự gây hấn quân sự của Trung Quốc. Nói không với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh" trên mạng BấmKiến nghị công dân Avaaz từ ngày 9/11, tới nay đã có 600 người ký tên.

Người khởi xướng kiến nghị cho rằng "bảo vệ quyền sống và quyền an ninh của hàng chục ngàn ngư dân hành nghề trên những ngư trường như cha ông bao đời nay của họ thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết".Kiến nghị này được gửi tới Tòa án Quốc tế về Quyền biển ở Hambourg, Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
"Cần thiết không kém là can thiệp để Bắc Kinh không châm được ngòi lửa chiến tranh trong một khu vực giao thông của hơn 50% hàng hải quốc tế."

Mưu sinh vất vả

Ông Quyết, người được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cấp thẻ công nhận công dân Việt Nam năm 2009, nói ông quyết định làm công việc này vì thấu hiểu sự vất vả của ngư dân miền Trung, nhất là ngư dân Lý Sơn.
Trong cuộc nói chuyện với BBC hôm 18/11, ông cho hay đã có ba tháng cùng sống với người dân Lý Sơn, nhất là tại xã Bình Châu là nơi có nhiều ngư dân bị Trung Quốc sách nhiễu khi đánh bắt tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Một lý do khác, theo ông, là sự im lặng vô cảm của chính quyền trong nước trước các hành động hây hấn, đe dọa ngư dân của Trung Quốc.
Sau thời gian sống và sinh hoạt cùng ngư dân Lý Sơn, ông Hồ Cương Quyết đã cho ra đời một bộ phim tài liệu về cuộc mưu sinh gian khổ của họ, có tên "Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát".
Tuy nhiên ông cho hay là bộ phim đã bị cấm chiếu ở trong nước, tuy sau khi tung lên mạng YouTube đã có trên 100.000 lượt người xem.
"Tôi đã hỏi lên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ra tận Hà Nội hỏi lãnh đạo Bộ Văn hóa-Truyền thông nhưng họ đều im lặng."
Vẫn thiết tha với vấn đề bảo vệ quyền sống của ngư dân Việt Nam, ông Quyết nói ông khởi xướng kiến nghị để kêu gọi: "Chúng ta nên cùng nhau hành động, dù chỉ đứng trên bình diện đơn thuần nhân đạo".
Hiện đang ở Pháp chăm mẹ già, ông nói sẽ quay trở lại Việt Nam "sớm nhất khi có điều kiện".

Saturday, November 16, 2013

mối nguy (phi quân sự) từ bên kia biên giới miền bắc

http://www.youtube.com/embed/5Cnj6ngijOk

Gi đây sắp chết đành lên tiếng
Ngộ độc lâu rồi các chú ơi!

THỦ… PHẠM…


Biển đảo ai đem cống giặc Tàu
Công này dân Việt nhớ ngàn sau
Hoàng Sa giờ chỉ còn trên giấy
Nhìn lại bản đồ thấm nỗi đau.


Nhìn lại bản đồ thấm nỗi đau
Quê hương từng bước chúng giao Tàu
Nay mai Dân Việt thành nô lệ

Mối hận muôn đời mãi khắc sâu!
Thanh-Huyền


Hoàng Sa, Trường Sa - 'Cảm hứng chủ quyền'
TP - Trường Sa - nơi tôi đến, nơi những con tàu ngư dân khắp miệt biển Tổ quốc quần tụ về như từng “cột mốc sống”. Chẳng hiểu tự bao giờ Hoàng Sa, Trường Sa luôn là miền cảm hứng chủ quyền dạt dào trong tâm hồn, ngòi bút của những phóng viên Ban đại diện miền Trung như tôi.
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đọc báo Tiền Phong. ẢNH: NGUYỄN HUY
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đọc báo Tiền Phong. ẢNH: NGUYỄN HUY.
NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ TRƯỜNG SA
Tôi may mắn được ngồi trên khoang tàu HQ571, con tàu thuộc loại hiện đại nhất của lực lượng Hải quân vừa hạ thủy đầu năm 2012 để ra với Trường Sa. Say sóng suốt 2 ngày đêm vượt biển nhưng vừa thấy những ụ xanh lờ mờ đảo Song Tử Tây trước mắt, mọi cảm giác mệt mỏi tan biến. Tôi để chân không đi trên những con đường bê tông phẳng lì. Từng hàng bàng vuông xanh rì bao quanh đảo, những chiếc quạt điện gió quay tít mù.
Lần đầu ra với Trường Sa, qua hơn chục điểm đảo chìm nổi, kéo một vệt dài từ mạn Bắc xuống phía Nam quần đảo, tôi háo hức nhìn, nghe mong “thu lượm” nhiều nhất từng chi tiết, sinh hoạt, thái độ, tâm tình tất cả cán bộ chiến sĩ, dân cư, đến từng vật nuôi quanh đảo chắc chắn phải mang một cái gì đó “đặc trưng” Trường Sa.
Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng, người đồng hương Nam Định, tiếp đoàn bằng sự thịnh tình và dành cho tôi những chia sẻ hiếm có. Hàng chục năm ngang dọc nhận nhiệm vụ Trường Sa tôi luyện anh thành mẫu người điển hình của cán bộ Hải quân: Cương nhu linh hoạt, rắn rỏi nhưng tình cảm. Điều lạ, mỗi lần vị đảo trường đi đâu, cả đoàn gần chục chú chó hồn nhiên vây quanh “tháp tùng”. Lễ chào cờ trên đảo trang nghiêm, linh thiêng khó tả.
Bãi sân lớn Song Tử Tây ít giây đã hàng ngũ chỉnh tề cán bộ chiến sĩ. Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay, một cán bộ dõng dạc đọc vang lời thề hứa quyết xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xứng đáng người chiến sĩ hải quân…
Đoàn do UBND TP Hà Nội tổ chức, gồm đông đảo cán bộ nhân viên sở ban ngành, đoàn thể, văn công, và cánh báo chí tác nghiệp. Đi đến đâu, chúng tôi được tiếp đón bằng sự ân tình, niềm nở.
Đất liền-Trường Sa không còn “quá xa”, khoảng cách địa lý thu hẹp bởi hệ thống phương tiện vận tải, hàng không ngày một hiện đại, nhưng tình cảm quân dân luôn chứa chan, nồng thắm.
Phóng viên Tiền Phong cùng đảo trưởng Song Tử Tây Vũ Văn Cường
Phóng viên Tiền Phong cùng đảo trưởng Song Tử Tây Vũ Văn Cường.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội - được các đảo gọi bằng cái tên trìu mến “gã đầu bạc” bởi bộ râu “hiền” và mái tóc bạc trắng khó lẫn.
Ngồi bên mé biển đảo Song Tử Tây, giữa thoai thoải cát, quanh hoa muống biển tím ngắt, ông kể vài câu chuyện vừa lượm được từ chiến sĩ. Nào là có anh yêu được bạn gái nhờ lá thư vô tình “lạc cánh”, có anh từ ngày lấy vợ, thời gian bên nhau chỉ tính bằng ngày…
Lần thứ 2, “gã đầu bạc” đến với Trường Sa nhưng nơi tuyến đầu Tổ quốc, ông vẫn luôn “nhập” vào cho mình từng tiếng chuông chùa thổn thức, cánh bàng vuông, đôi mắt những công dân nhí…
Bài thơ “Chuông chùa trên đảo” dành tặng cán bộ chiến sĩ, cả đoàn tối giao lưu trên đảo Sinh Tồn, tiếng chuông như thể tiếng lòng, vang vọng mọi người cùng hướng nhìn về miền biển đảo; cùng bài vè dài 10 ngày hành trình Trường Sa vui, dí dỏm, với biết bao kỷ niệm, ân tình quân dân cá nước. “Đến đâu ta cũng lòng ta/Thương người lính biển xa nhà nhớ quê”.
Còn nhớ Tiền Phong là tờ báo đầu tiên thực hiện dài kỳ “Những giọt máu nằm lại Trường Sa”, cận cảnh nỗi lòng gia đình những người mẹ, người cha có con nằm lại nơi chính biển đảo Cô Lin-Gạc Ma. Bài báo đạt giải Nhất báo chí Đà Nẵng năm 2011.
Chiều. Con tàu HQ751 nhè nhẹ neo giữa vùng biển Cô Lin-Gạc Ma. Lễ truy điệu xúc động, tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến 1988. Từng cánh hoa đăng nhẹ trôi giữa chân sóng. Nước mắt lăn dài hướng vọng anh linh.
Còn nhớ Tiền Phong là tờ báo đầu tiên thực hiện dài kỳ “Những giọt máu nằm lại Trường Sa”, cận cảnh nỗi lòng gia đình những người mẹ, người cha có con nằm lại nơi chính biển đảo Cô Lin-Gạc Ma. Bài báo đạt giải Nhất báo chí Đà Nẵng năm 2011.
Tôi đã đến gặp từng người mẹ già nua, người cha run run đôi tay thắp hương nơi di ảnh người con lính hải quân, đơn vị công binh 83, những người chỉ có “nấm mộ gió Trường Sa” tại Đà Nẵng, Quảng Nam, hy sinh trong trận Hải chiến can trường.
Thời khắc được đứng ngay trên chân sóng nơi các anh ngã xuống để bảo vệ từng mép nước chủ quyền, tôi thắp thêm nhiều nén hương, rải thêm cánh hoa đăng mong thay mặt gia đình gửi đến hương hồn chiến sĩ. Vẫn còn đó máu xương, linh hồn các anh hòa cùng biển trời, truyền lửa lớp lớp các thế hệ chung tay bảo vệ chủ quyền.
Tôi đã kể về Trường Sa qua: Phố biển Trường Sa, Những cánh thư nhà gửi Trường Sa, Gieo chữ ở Trường Sa; Mắt biển Trường Sa, Blouse trắng giữa Trường Sa; Điểm tựa ngư dân giữa Trường Sa trên Tiền Phong… Nhưng Trường Sa vẫn còn những chuyện chưa kể và chắc một điều có kể cũng chưa hết. Được đến với Trường Sa là vinh dự hiếm có của tôi cũng như bất kỳ ai trên hành trình về với tuyến đầu Tổ quốc.
THỔN THỨC HOÀNG SA
Xem nhiều tư liệu, hình ảnh, clip về Hoàng Sa của huyện đảo Hoàng Sa, thuộc UBND TP Đà Nẵng, nhưng có những tư liệu sinh động hơn, chân thực hơn từ chính lời kể “nhân chứng sống”, “cột mốc” Hoàng Sa. Trong vòng hơn 5 năm nay, tôi tìm gặp được hàng chục những sĩ quan, người lính của chế độ cũ để nghe kể, thuật lại công việc thường ngày mỗi đợt nhận nhiệm vụ Hoàng Sa.
Một nhân chứng, ông Phạm Khôi (72 tuổi, Đà Nẵng) - người tự vẽ bản đồ Hoàng Sa; nhân chứng Lê Văn Cúc (Đà Nẵng), người trực tiếp có mặt trên trận chiến với hải quân Trung Quốc năm 1974 ở Hoàng Sa…
Tiền Phong luôn đeo bám tạo vệt dài sự kiện về “Hành trình công lý” Hoàng Sa, Hoàng Sa tâm thế chủ quyền; các cuộc triển lãm quy mô lớn về chủ quyền Hoàng Sa, tư liệu lịch sử, những bằng chứng không thể chối cãi. Tôi may mắn tiếp cận, gặp trực tiếp nhà sưu tập Trần Thắng, Việt kiều Mỹ người dày công sưu tầm các tư liệu bản đồ atlat cổ, tạo chứng lý chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, để kịp thời chuyển tải thông tin đến đông đảo bạn đọc Tiền Phong.
Hoàng Sa vẫn cận kề, từng ngày, từng giờ trên từng chuyến biển của những ngư phủ khắp các làng chài miền Trung can trường bám biển, bảo vệ chủ quyền. Bao lần ngược xuôi đến với đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các làng chài ven biển miền Trung để nghe chính “cột mốc sống” kể chuyện giữ ngư trường, giữ chủ quyền Hoàng Sa.
Chất giọng hào sảng, lời lẽ đanh thép của họ và những tình cảm của họ mang về từng kỉ vật Hoàng Sa là thứ chất liệu mà không tư liệu, hình ảnh, đoạn phim nào có thể diễn tả hết. Những bài viết: Ngư dân Việt không chùn bước; 500 ngư dân liên kết bám biển Hoàng Sa; Bám biển- Đoàn kết một lòng; Tranh chấp Biển Đông: Asean cần một tiếng nói chung… trên báo Tiền Phong tạo dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc.
Thổn thức cùng Hoàng Sa không chỉ riêng tôi mà rất nhiều cây bút miền Trung, nhưng Tiền Phong luôn chứng tỏ nét riêng, sâu đậm, cái nhìn đa chiều về những biến cố Biển Đông cả lịch sử, hiện tại và dự báo tương lai.
NGUYỄN HUY