Monday, July 29, 2013

Bí mật thú vị về đồng tiền Việt Nam

http://kienthuc.net.vn/dat-tien-vang/bi-mat-thu-vi-ve-dong-tien-viet-nam-249036.html

(Kienthuc.net.vn) - Đồng tiền chúng ta tiêu dùng hàng ngày có những bí mật thú vị đằng sau nó. Cùng Kiến Thức khám phá những điều bí ẩn này.

Tiền ở đâu bẩn nhất? Ở Việt Nam,
đồng tiền rất dễ bị nhiễm bẩn và có tuổi thọ thấp do ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế. Vì thế, số lượng tiền nát, rách, bẩn chiếm tỷ lệ cao, nhất là những đồng tiền mệnh giá thấp.
Đồng tiền lưu hành ngoài chợ là bẩn nhất 
Quyết định chuyển tiền cotton thành polymer của Ngân hàng Nhà nước cách đây khoảng chục năm đã hạn chế được phần nào việc đồng tiền bị nhiễm bẩn. Những phát hiện mới đây cho thấy, đồng tiền bị nhiễm bẩn là do giấy nền in tiền, chất lượng mực in. Tác nhân làm đồng tiền nhanh mờ, mất nét, xấu là do vi khuẩn phân hủy lớp mực in, làm hỏng đồng tiền đồng thời tạo ra mầm bệnh.
Theo các nhóm nghiên cứu, khu vực chợ truyền thống, đặc biệt là nơi bán thực phẩm và rau quả sống là môi trường tạo ra đồng tiền bẩn nhất. Những chiếc ví đựng tiền cũng là nơi chứa đầy mầm bệnh.
Mệnh giá tiền đồng nào được ưa thích nhất?
 Dân thành thị thích tờ 200.000 đồng nhất
Các nhóm nghiên cứu cho biết, tầng lớp thị dân thích tờ 200.000 đồng nhất. Lý do là mệnh giá này tương hợp với số đông mức sống, thuận tiện trong thanh toán, bền và đẹp.
Tờ 500.000 đồng được chuộng ở đâu nhất?
Tờ 500.000 đồng được chuộng nhất ở khu vực nông thôn 
Nhiều người cho rằng, ở các thành phố, đô thị lớn, việc cất trữ đồng tiền mệnh giá 500.000 đồng sẽ nhiều hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên trên thực tế, tại các vùng miền khác, đặc biệt là nông thôn, vùng núi, tiền đồng mệnh giá này lại được cất trữ nhiều hơn do thói quen trân trọng, để dành tiền của người dân.
Theo một thống kê của Ngân hàng Nhà nước, một khi đã có tiền 500.000 đồng để dành, thường khiến tiền được giữ khá lâu.
Địa danh nào được in trên tiền đồng Việt Nam?
Cảnh chụp tại nhà máy dệt Nam Định được in trên tờ tiền 2.000 đồng 
Chùa Cầu Hội An in trên tờ tiền 20.000 đồng 
Nghênh Lương Đình - Phu Văn Lâu bên bờ sông Hương ở Huế trên tờ tiền 50.000 đồng
Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên tờ tiền 100.000 đồng 
Vịnh Hạ Long trên tờ tiền 200.000 đồng 
Quê Bác ở Nam Đàn, Nghệ An trên tờ tiền 500.000 đồng 
Việt Nam đổi tiền bao nhiêu lần?
Kể từ ngày 1/12/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, lúc đó là đồng tiền nhôm loại 2 hào, cho đến nay chúng ta đã có rất nhiều các loại tiền xu, tiền giấy, tiền polymer khác nhau. Đi cùng lịch sử phát hành tiền là những lần chúng ta thực hiện đổi tiền, có thể tổng kết những lần đổi tiền từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến nay như sau:
 
Lần 1: Ngày 15/5/1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Giấy bạc Tài chính thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng từng mẫu tiền. Đồng thời Nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương.
 
Lần 2: Ngày 6/5/1951, tại sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam (NHQG VN). Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951 NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG. Đây là cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHQG.
 
Lần 3: Vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đến tháng 2/1959, Chính phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 3 với tỷ lệ 1 đồng NHQG mới ăn 1.000 đồng NHQG cũ. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là "ngoạn mục" nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đến tháng 10/1961, đồng tiền NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ Nguỵ quyền Sài Gòn.
 
Lần 4: Trong 3 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, 2 miền vẫn dùng 2 đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNN Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ.
Ngày 3/5/1975, chính quyền Cách mạng tiếp quản NHQG của Nguỵ quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền Nam những ngày đầu giải phóng.
Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do ông Trần Dương làm Thống đốc.
Đến ngày 22/9/1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên quy mô toàn miền Nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500 đồng tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD.
 
Lần 5: Ngày 2/5/1978 - Đúng dịp kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1 đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền giải phóng ở miền Nam ăn 1 đồng NHNN mới.
 
Lần 6: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng - tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc Cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
Hải Sơn (Tổng hợp

Friday, July 19, 2013

Nỗi buồn của tôi


 

Một buồn non nước ngả nghiêng
Hai buồn Tổ Quốc lũ điên cỡi đầu
Ba buồn biên giới biển sâu
Từ nam chí bắc giặc Tàu xâm lăng
Bốn buồn oan ức dân tăng
Mất nhà, mất đất công bằng hỏi ai?
Năm buồn giận lũ tay sai
Rắp tâm bán nước còn ai chưa tường
Sáu buồn càng giận càng thương
Chủ  nghĩa xã hội, con đường diệt vong
Dân nay một cổ nhiều tròng
Mấy tầng áp bức khó long thoát ra
Bảy buồn cùng với dân ta
Có mồm mà phải như là người câm
Oan khiên uất ức hờn căm
Ba đời khiếu kiện, vẫn nhầm hôn quân
Tám buồn nhìn lại muôn dân
Tự do, Độc lập ngỡ gần hóa xa
Ngày nào toàn thể dân ta
Cơn mê thức tỉnh thấu ra ngọn nguồn
Bấy giờ lệ mới ngừng tuôn…

Quizás Quizás

   
Quizás Quizás, lan tỏa hương hoa vô hình khắc họa      
 
Tuấn Thảo
Âm nhạc tựa như hương hoa, ẩn chứa những cảm xúc vô hình, tiềm tàng kỷ niệm mông lung khó tả. Mùi hương say đắm như ánh mắt, quyến luyến những vòng tay để rồi lan tỏa những câu chuyện tình lãng mạn. Dù nẩy sinh trong khoảnh khắc tâm can nhưng mùi hương vẫn chắp cánh vượt thời gian, không sợ tuổi già năm tháng, mà lại suốt đời miên man.
Liên Khúc Quizás Quizás 2013
 
18/07/2013
 
 
Câu nói của tác giả Osvaldo Farrés, khi ông nói về bí quyết soạn nhạc của mình, đã trở nên bất hủ để đời, cũng như khá nhiều bản nhạc bolero mà ông đã sáng tác lúc sinh thời. Nhắc đến tác giả người Cuba Osvaldo Farrés (1902-1985), người yêu nhạc trên thế giới đều biết đến ca khúc Quizás Quizás do ông viết vào năm 1947.
Có nhiều nguồn ghi chép sai một chi tiết quan trọng khi cho rằng bài Quizás Quizás là một bản mambo nổi tiếng. Thật ra, theo ông Radamés Giró, người đã soạn quyển Tự điển Bách khoa về Âm nhạc Cuba (Diccionario Enciclopédico de la Música en Cuba), nguyên tác của bài Quizás Quizás được viết theo thể điệu bolero. Lúc sinh tiền, Osvaldo Farrés từng được mệnh danh là ông hoàng bolero, vì trong số hơn 300 ca khúc mà ông đã cống hiến cho đời, phần lớn là những tình khúc du dương ngọt ngào, muôn thuở dạt dào làn điệu bolero.
Sinh năm 1902 tại thị trấn Quemado de Guînes, thuộc tỉnh Las Villas, bây giờ được gọi là Villa Clara, Osvaldo Farrés từ thuở thiếu thời đã có năng khiếu hội họa. Ở trường lớp, cô giáo thấy Osvaldo có tài vẽ tranh nên mới khuyên cậu học trò lên thủ đô để tầm sư học đạo. Sau cấp trung học, ông cùng với gia đình dọn nhà về thủ đô La Havana.
Theo lời khuyên của bố mẹ, ông chủ yếu học vẽ để kiếm sống và tự học đàn trong những lúc nhàn rỗi. Trước khi nổi danh là một tác giả, Osvaldo Farrés thời thanh niên đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống : đạp xe đi giao hàng, họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, nhân viên quầy ngân hàng, thợ lắp ráp cửa sổ, thợ chế tạo lò xo trong các xưởng sản xuất ghế nệm. Cái nghề ổn định duy nhất gần với những gì ông đã học, là nghề vẽ bích chương cho một công ty quảng cáo.
Hồi tưởng lại giai đoạn này, Osvaldo Farrés nói rằng : Ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện trở thành một nhà soạn nhạc, huống chi tưởng tượng rằng một ngày nào đó, ông có thể hái ra tiền, có được một cuộc sống sung túc dư giả, chỉ nhờ thành công trong sự nghiệp sáng tác. Điều đó giải thích vì sao tác giả người Cuba này nổi danh trễ hơn so với các đồng nghiệp cùng trang lứa.
Vận may đến với Osvaldo Farrés vào năm 1937, lúc đó ông đã ngoài 35 tuổi. Vào thời ấy, một hiệu bia nổi tiếng cần một đoạn nhạc để làm quảng cáo trên đài phát thanh thủ đô. Người vẽ bích chương quảng cáo không ai nào khác ngoài Osvaldo Farrés, cho nên ông mới đề nghị công ty nhà sử dụng một khúc nhạc của ông để làm nhạc hiệu quảng cáo. Bản nhạc Mis Cinco Hijos, soạn theo nhịp điệu guajira, một thể loại dân ca miền đông Cuba, trở nên ăn khách nhờ được phát sóng nhiều lần trên đài phát thanh thủ đô.
Cũng từ đó mà cái tài soạn giai điệu của nhạc sĩ Osvaldo Farrés lọt vào tai của các nhà sản xuất. Từ đầu những năm 1940 trở đi, ông bắt đầu nổi danh nhờ sáng tác nhiều ca khúc cho giới nghệ sĩ tên tuổi. Tiêu biểu nhất cho giai đoạn này có bài Acércate Más, cũng là một bản nhạc nổi tiếng ở châu Mỹ La Tinh.
Sông có khúc, người có lúc. Năm 1943, tức cách đây đúng 70 năm, là thời điểm định mệnh của một sự nghiệp sáng tác. Vào thời đó, nhà soạn nhạc Osvaldo Farrés chấp bút viết bài Toda Una Vida (Trọn một đời người), một trong những bài kinh điển nhất của dòng nhạc bolero.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Cristóbal Díaz Ayala, tuy Osvaldo Farrés không được đào tạo bài bản, không tinh thông nhạc lý, tức là ông không biết đọc và ghi chép nốt nhạc, nhưng ngược lại ông có một lỗ tai khác thường. Ông sáng tác bằng cách mò mẫm, ngân nga một giai điệu, để rồi thu vào máy ghi âm, nhờ người khác (thường là nhạc sĩ Fernando Mulens) có kiến thức âm nhạc, ghi chép lại từng nốt trên các bản dàn bè.
Osvaldo Farrés biến sở đoản thành sở trường : ca từ mộc mạc trong sáng thường được viết dưới dạng đối thoại trực tiếp, ông đặt mình vào tư thế của một người đàn ông tỏ tình vuốt ve, mơn trớn người yêu. Người khác sáng tác nhạc bolero bài bản cúng cụ. Osvaldo soạn ca khúc để đánh trúng tim đen người nghe. Ông nén từng câu, vuốt từng chữ như đang ôm ấp tình nhân. Cảm giác gần gũi càng hiệu quả khi người diễn đạt dùng cách hát thì thầm, thủ thỉ bên tai.
Nhờ vào sự thành công của nhạc phẩm Toda Una Vida (Trọn một đời người), mà Osvaldo Farrés trở thành tác giả độc quyền của đài phát thanh thủ đô La Havana thời bấy giờ. Từ phát thanh chuyển sang truyền hình, ông trở thành người điều khiển và dẫn dắt chương trình Bar Melódico de Osvaldo Farrés (hiểu theo nghĩa Quán nhạc du dương).
Chương trình này được phát sóng mỗi buổi tối thứ Tư hàng tuần, xen kẽ các tiết mục biểu diễn ca nhạc với các cuộc phỏng vấn giới văn nghệ sĩ trong nước cũng như ngoài nước. Trong vòng 13 năm liên tục, nhiều nghệ sĩ quốc tế tên tuổi như Josephine Baker, Sara Montiel, Nat King Cole hay Maurice Chevalier lần lượt trở thành khách mời của chương trình này.
Vào năm 1947, tác giả Osvaldo Farrés đạt đến đỉnh cao danh vọng với nhạc phẩm Quizás Quizás, cột mốc quan trọng thứ nhì trong sự nghiệp sáng tác của ông, sau nhạc phẩm Toda Una Vida. Bài hát chẳng những thành công ngay lập tức trong tiếng Tây Ban Nha mà còn thịnh hành nhờ phiên bản tiếng Anh Perhaps Perhaps Perhaps, do tác giả Joe Davis đặt lời.
Nếu như Nat King Cole thu bài này bằng tiếng Tây Ban Nha hát với giọng Mỹ, thì các ca sĩ quốc tế khác chủ yếu ghi âm bằng tiếng Anh : từ thế hệ trước như Dean Martin, Doris Day, Mari Wilson, Xavier Cugat, Mantovani, The Stargazers, Pepe Jaramillo cho đến thế hệ sau như Geri Halliwell, thành viên của nhóm Spice Girls hay Nicole Scherzinger của ban nhạc Pussycat Dolls.
Trong tiếng Pháp, tác giả Jacques Larue dùng cách chuyển ngữ tài tình, dịch thoát được cái ý mà vẫn giữ được sự gần giống trong âm điệu của ca từ. Bản nhạc Qui Sait Qui Sait hiểu theo nghĩa Nào Ai Hay Biết tuân thủ phiên âm nguyên thủy của Quizás Quizás (hiểu theo nghĩa Có lẽ, Có lẽ). Bài hát ban đầu do Luis Mariano ghi âm rồi sau đó ăn khách qua một loạt giọng hát như Maurice Chevalier, Henri Salvador, Dalida, Charles Aznavour hay Les Soeurs Étienne.
Còn trong tiếng Việt, bài có nhiều lời khác nhau. Lời Việt của nhạc phẩm mang tựa đề Sầu dĩ vãng là của tác giả Minh Trang. Còn lời Việt của bản nhạc Nào biết Nào hay, tùy theo nguồn ghi chép, lời hát được cho là của tác giả Minh Thảo hay của nhạc sĩ Phạm Duy, phóng tác từ lời ca Qui Sait, Qui Sait trong tiếng Pháp.
Với thời gian, bản nhạc Quizás Quizás chẳng những được chuyển dịch snag hàng chục thứ tiếng kể cả tiếng Hindi, Ả Rập hay Do Thái, mà còn được phối theo nhiều thể điệu khác nhau : từ mambo đến cha cha, từ salsa đến flamenco. Người Cuba thì chủ yếu hát bài này trong điệu bolero : tiết tấu chậm rãi nhịp điệu khoan thai, phá cách theo lối thoát nhịp chứ ít có đảo phách, nhấn mạnh nhịp lẻ.
Đối với một người mà ban đầu không nghĩ rằng mình có thể sống nhờ sáng tác, một tác giả không ‘‘tinh thông’’ nhạc lý, Osvaldo Farrés lại trở thành một trong những bậc thầy của dòng nhạc bolero. Từ lúc thành danh đầu những năm 1940 cho tới lúc ông qua đời năm 2005, sau một thời gian dài sống lưu vong ở Mỹ, để chạy trốn chế độ Fidel Castro, Osvaldo Farrés vẫn được xem là tác giả người Cuba nổi tiếng nhất ở nước ngoài.
Từ nhạc phẩm Tres Palabras cho tới Quizás Quizás, từ Esta Noche o Nunca cho tới Dime Si Te vas Conmigo, tác giả Osvaldo Farrés sáng tác theo ngẫu hứng, theo linh cảm. Ông diễn đạt được cái tâm hồn La Tinh theo cách nhìn của riêng mình : tình yêu tựa như mùi hương, vô hình mà thực tại, ta có thể dùng bút vẽ để phác họa chân dung, dùng ngôn ngữ để mô tả hình hài, chứ tận đáy con tim không thể nào mà lý giải.
http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130719-quizas-quizas