Monday, December 12, 2016

TỰ SƯỚNG

Bao giờ có được thế này không!
Cầu rộng gang tay, tượng tỷ đồng!
Đất nước nát tan, dân ngoắc ngoải
Giả mù sao dễ vậy thưa ông?


Cầu rộng 1 gang tay, nhà máy ngàn tỷ đắp chiếu

 - Chiếc cầu mà lũ trẻ ở Lỗ Sơn (Hòa-Bình) qua lại hàng ngày trơ khung sắt, chỗ rộng nhất chỉ 1 gang tay...

Cau rong 1 gang tay, nha may ngan ty dap chieu
Cây cầu rộng độ...một gang tay.
Ngày cuối tuần, mạng xã hội nóng với clip một người dân chia sẻ về cây cầu treo nối liền hai xóm Đổi Mới và xóm Đá 2 của xã Lỗ Sơn (Tân Lạc- Hòa Bình). Cây cầu chỉ còn trơ khung sắt, lối đi chỉ rộng chừng 1 gang tay, nhưng hàng ngày, lũ trẻ vẫn phải đi qua để đến trường. Thấy quá nguy hiểm, anh Bùi Văn Đảm- một người dân sống ở đó đã quay clip và chia sẻ lên mạng xã hội.
Thú thực, xem clip lũ trẻ nhỏ đi học qua cây cầu có bề ngang chỉ rộng 1 gang tay, chắc nhiều người cũng cảm thấy như tôi, xót xa và thắt lòng vì lo lắng. Chúng quá non nớt, đứa thì mẫu giáo, đứa thì tiểu học, có những đứa bé 3-4 tuổi thì may mắn được mẹ bế qua. Chúng cười nói líu lo như chim, không biết được mình đang đùa giỡn, thi gan với tử thần.
Người đăng clip đó lên mạng xã hội cho biết, đã có những em bị ngã xuống rồi, may là chưa bị tử vong thôi. “Tôi đăng tải hình ảnh và clip lên mạng với mục đích kêu gọi người dân, các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện, chính quyền… cùng chung tay khắc phục để việc đi lại của các cháu an toàn hơn”- anh Đảm nói.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã cho biết, cây cầu này đã được đoàn kiểm tra của huyện đánh giá là xuống cấp, nguy hiểm từ năm 2014, không đủ điều kiện để đi nên xã đã dỡ bỏ phần mặt cầu chờ dự án tu sửa. Thế nhưng chờ từ đó đến nay, xã đã gửi văn bản xin hỗ trợ tu sửa cầu nhưng vẫn chưa thấy hồi âm. Người dân thì bất chấp hiểm nguy nên vẫn qua lại cầu, cách đó 4km cũng có 1 cây cầu nhưng không tiện cho bà con, họ vẫn phải đi bộ qua cây cầu chỉ còn trơ lại khung sắt này.
Càng đọc càng thấy xót lòng. Cuộc sống của người dân cả xã bám lấy cây cầu làm tuyến đường giao thông chính, nối 6 xóm trong và 6 xóm ngoài, người dân không thể không qua lại cây cầu. Ấy thế nhưng suốt mấy năm nay, họ không có được cây cầu mới để đi, vẫn qua lại trên cây cầu đã bị dỡ hết cả mặt cầu. Nguy hiểm và đầy bất trắc, nhưng cũng đành kệ, không có tiền trên rót về, lấy đâu mà sửa cầu?
Cau rong 1 gang tay, nha may ngan ty dap chieu
Các bé ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc- Hòa Bình) qua cầu đi học.
Nhìn bức ảnh lũ trẻ như bầy chim non nối nhau đi qua cây cầu dài 50m chỉ còn trơ lại khung sắt và mấy dải gỗ chỉ rộng chừng gang tay mà thương. Chúng đang phải làm xiếc, với chính tính mạng mình. Con đường đến trường sao mà nhọc nhằn khổ ải.
Lại nhớ đến cái tin Bộ Công thương đang chuẩn bị tiến hành định giá nhà máy Gang thép Thái Nguyên, công trình hơn 8.000 tỷ đồng đắp chiếu nhiều năm nay đang hóa thành đống sắt vụn. Không thể để nhà máy trùm mền lâu hơn được nữa, công việc định giá nhằm hoặc là bán thanh lý, hoặc là kêu gọi nguồn vốn đầu tư để vận hành chứ không thể tiếp tục lấy ngân sách ra nuôi.
8.000 tỷ đồng là bao nhiêu số không? Người dân nghèo ở Tân Lạc không biết, lũ trẻ lại càng không, chúng làm gì đã học đến những phép tính to như thế. Nhưng 8.000 tỷ đồng ấy, có liên quan đến cây cầu rộng 1 gang tay mà lũ trẻ vẫn đi qua đi lại như làm xiếc hàng ngày đó không? Có chứ.
Nếu không có những nhà máy mấy ngàn tỷ đồng đắp chiếu, nếu không có những công trình tượng đài bỏ hoang cho cỏ mọc, những công trình lưu niệm hàng trăm tỷ vừa làm xong đã xuống cấp, bong tróc lở lói thì chắc chắn sẽ có nhiều cây cầu mới mọc lên. Sẽ có những đứa trẻ đến trường trong áo mới, bát cơm no đủ trên những con đường nhựa mới, những cây cầu kiên cố.
Đã có biết bao nhiêu công trình ngàn tỷ lãng phí, đắp chiếu, trùm mền, hóa thành đống sắt vụn? Hàng ngày, có biết bao nhiêu người dân, bao nhiêu đứa trẻ vẫn phải làm xiếc, đu dây, vượt sông bằng túi nilon để đến trường? Không ai biết.
Và chúng ta, ngoài nỗi xót xa khi nhìn thấy lũ trẻ qua cầu như đùa với tử thần như thế, chúng ta còn biết làm gì?
Mi An

  • BÁO Người Việt

No comments:

Post a Comment