Thursday, January 10, 2013

THƠ KHA TIỆM LY


Câu đối cho Hoàng sa nộ khí phú:
Ngất Trời cao Dân Nam tràn dũng khí, quyết tâm thề giữ nước.
Thèm biển rộng giặc Bắc giọng côn đồ, toan tính mộng xâm lăng.


Câu đối của người Nam
Chống ngoại xâm, người Nam muôn đời không cúi đầu khiếp nhược.
Trừ xâm lược, nước Việt trăm họ chẳng úy tử tham sinh.

Thanh-Huyền

HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!
Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!
Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.
Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?
Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa,Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:

Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!
Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!

Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.
KHA TIỆM LY
Chú thích:
(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đưa quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
(3) Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị)
Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/9606/HO%C3%80NG-SA-N%E1%BB%98-KH%C3%8D-PH%C3%9A
18/06/2011

VĂN HÀNHTrộm nghe:
Thế nhân vốn một mặt muôn lòng,
Văn chương cũng năm đường bảy ngõ!
Trò đời đã nhiều chuyện lá lay,
Con tạo lại bày trò cắc cớ!
Nhớ xưa,
Bao thi nhân hùng khí chưa mờ,
Bao kiệt tác ngôn phong còn rõ.
Đồ Chiểu đâm mấy thằng gian, bút thép chẳng tà,
Cử Trị mắng bao phường nịnh, lòng son vẫn tỏ.
Hịch Tướng Sĩ, sông Bạch Đằng nước cuộn sóng gào,
Cáo Bình Ngô, núi Chí Linh cây rung lá đổ.
“Văn dĩ tải đạo”, lời cũ thường khuyên,
“Đức khả thắng tài”, kẻ sau chẳng nhớ!
Thế mà nay,
Học hành đôi chữ lem nhem,
Văn vẻ ba xu ú ớ.
Vỗ bụng, khoe ráp được vần ngược, vần xuôi,
Vểnh tai, thích nghe nịnh lời nầy, lời nọ.
Văn nghe giống nước mắm chấm dùi,
Thơ đọc như thầy chùa gõ mõ!
Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây,
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội nầy hội nọ.
Thơ in vài tập, chừng như đội đá vá trời,
Văn viết đôi bài, đã vội khua môi múa mỏ.
Vậy mà,
Báo tháng thường đăng,
Báo ngày chẳng bỏ!
Chỉ tội người nghe con ráy lùng bùng,
Chỉ thương người xem con ngươi lổ đổ!
Ráng banh miệng, mà cười chẳng ra cười
Cố xệch môi, mà khổ không ra khổ!
Vinh chăng?
Đi xe đời mới, đặt đít sướng mông,
Ở nhà lầu cao, ngẩng đầu trật cổ!
Như ta đây,
Dù cái thi, cái phú chưa đầy lá mít, lá mơ,
Nhưng cái nghĩa, cái tâm khá hơn loài sâu loài bọ.
Ghét quân khẩu Phật tâm xà,
Ghét phường miệng hùm gan sứa.
Không dè lời, cứ thẳng mực tàu.
Theo đúng thước, làm đau lòng gỗ!
Bao năm “bán phổi”, đệ tử mấy ngàn,
Một thuở khua chèo, bạn bè vô số.
Ngặt vì,
Kết bạn thì “Tri mãn nhân gian”
Ngoãnh mặt lại,”Vô thân tứ cố”!
Không độ nỗi những kẻ cúi lòn,
Chẳng theo kịp mấy thằng bợ đỡ!
Chẳng bù cái mũi có giàm,
Không giống đồng xu có lỗ!
Chẳng phải bành voi mặc kẻ leo lên,
Không như trôn đĩ mạnh ai mấy xỏ!
Dù cho,
Thời buổi nầy mà rách dép rách giày,
Xe đạp nọ luôn trật sên trật chó!
Dù áo Tử Lộ (!) còn đành mạn cổ, vá vai,
Nhưng mặt Nhan Hồi (2) không dễ bôi vôi, trét nhọ.
Đã từng,
Văn chương treo ở đầu giàn,
Bút mực đem quăng một xó.
Nào chê bai chữ nghĩa rẻ như bèo,
Mà tức khí vàng thau cùng một rọ!
Khổ vì,
Muốn hoàn lương mà nghiệp đĩ cứ đeo,
Muốn quăng bút, mà đường văn còn nợ!
Sá gì gạo vét mòn lon,
Thây kệ giày đi há mỏ!
Đêm dài lắm mộng, ai rằng Vương Khải (3) là vui?
Nước sạch cành hông, ai bảo Vĩnh Kì (4) là khổ?
Thôi thì,
Mặc ai pha muối pha đường,
Mặc nó lộn vừng lộn đỗ.
Tự hào vì thứ ta đủ, mà họ không cần,
Kiêu hãnh bởi điều họ dư, mà ta không có!
Xem xong,
Ai nhột thì cứ “xổ nho”
Ai khoái thì xin cổ võ!
KHA TIỆM LY
(ĐT: 0987701952)

HOÀNG SA TIẾU NGẠO PHÚ
Kha Tiệm Ly

Tưởng rằng,
Tổ tiên có lắm bậc đại hiền,
Tử tôn ắt nhiều người cao đức.

Ngờ đâu,
Cây cha thẳng, mà tủa cành, nhánh cong queo,
Giống mẹ lành, lại trỗ trái, hoa đắng nghét!
Thương cho các ông thầy Lão Đam, Mặc Địch, Khổng Khâu,
Lại có mấy thằng trò Bàng Quyên, Hòa Thân, Hòa…Thiết (!)
Lời cũng như sách, đều dạy phong ngôn hòa ái, khiêm cung,
Mặt dẫu giống người, nhưng quen dã tính hung hăng, tàn ác.
Với kẻ thù, mi quen tuồng làm tớ làm tôi,
Với đồng bào, mi giở thói sát nhơn sát đức!
Đạo đức thì,
Làm thức ăn bằng giấy cac-tông,
Chế thức uống bằng đồ bá nạp!
Xem con người như chó như heo,
Coi mạng sống như rơm như rác!
Chí khí thì,
Dân hàng trăm triệu (1), mà chịu bại dưới vó ngựa Mãn, Mông,
Quân mấy mươi muôn (1), mà đầu hàng trước gót giày Anh, Nhật!
Để chúng lấy Giang Bắc nhanh như trở mặt bàn tay,
Để chúng chiếm Giang Nam dễ như lấy đồ trong bọc!
Mất muôn dặm đất (1) mà còn chẳng chịu hèn?
Đọa trăm triệu dân (1) mà lại chưa biết nhục?
Ôi!
Thẹn cho đất rộng nghìn vuông,
Tủi cho thân cao bảy thước!
Trên đầu lột mũ cánh chuồn, bỏ hết cổ trang,
Nửa sọ thắt tóc đuôi sam, tuân theo tân pháp!
Mỏi gối vì câu “vạn tuế” mà bỏ nước bỏ dân,
Trẹo lưng bởi kiếp “nô tài” nên quên vinh quên nhục!
Chẳng trách,
Tình đồng chí vừa mới quen tai,
Câu hảo bằng còn chưa ráo mực!
Cắt cáp tàu, không chừa thói cuồng ngông,
Cướp hải phận , lại ló mòi láo xấc!
Vạch đường Chữ U (2), đúng là lưỡi mối miệng lằn,
Nói câu hữu nghị, khác chi tâm xà khẩu Phật!

Nầy bọn mi!
Chớ huênh hoang mà lấy thịt đè người.
Đừng khờ dại mà lấy gươm chém sắt!
Hoàng Sa ta còn trăm triệu anh em, chỉ cách có mấy giờ bay,
Hoàng Sa ta còn hàng vạn kiều bào, chỉ cách nửa vòng trái đất.
Nếu mi liều lĩnh cho hỏa tiễn rời dàn,
Thì ta lập tức quay thần công nhả đạn!
Hàng vạn tấm lòng đang náo nức hồi hương,
Hàng trăm con tàu đang sẵn sàng rẽ nước!
Lãnh thổ, lãnh hải, xưa nay đâu phải một bận tranh cường,
Bọn ta, bọn mi, đến giờ cũng đã bao phen so đọ sức?

Nhớ chăng?
Chèo Ngô Vương sụt sôi sóng nước, dìm xâm lăng dưới đáy Bạch Đằng,
Gươm Thường Kiệt sang sảng lời thơ, truyền tuyên ngôn bên bờ Như Nguyệt.
Đánh đường núi, thây chất kín đèo,
Đánh đường sông, dòng trôi nghẽn xác!
Tiếng quân hò rung chuyển Ải Nam Quan,
Khí thế dậy lung lay thành Kinh Bắc.
Mới nghe tên, đã sợ mất thần hồn,
Nhác thấy bóng, vội chạy bung đầu tóc!


Vì thế,
Thấy cây nhọn, ngỡ cọc Bạch Đằng, rồi bịt mắt ôm tim,
Thấy sắc đỏ, tưởng nước Hồng Hà, vội lấy tay bưng mặt!
Thấy yếm đào, nhớ hồn ma Lục Dận chợt kiêng hùng khí Triệu Nương;
Vào hiểm địa, nhớ mồ tổ Liễu Thăng bỗng sợ thần oai Lê Sát!
Nếu ta lại đem Mã Yên ra dọa, ắt lắm kẻ mặt xanh lè,
Nếu ta còn đem Tốt Động ra đe, chắc môi bọn mi tím ngắt!
Mới đây thôi,
Ngụy Văn Thà theo tàu tuẩn tiết, chữ DŨNG còn ghi,(4)
Trần Đình Phương vì đảo hi sinh, chữ TRUNG mãi nhắc.(5)
Xem tử sinh là hạt bụi, sợi lông,
Đặt chí khí như tấm gang, lá thép!
Khè lửa mạnh mới biết vàng thau,
Đọ sóng dữ mới hay hào kiệt!

Xưa nay,
Kế hành binh ngoài chỗ dựa quân cơ,
Giành thắng lợi cốt nhằm vào nhân đức.

Huống chi ta,
Bên sau, lớp lớp nhân dân đang ngụt chí diệt thù;
Phía trước, hàng hàng chiến sĩ quyết đồng lòng giữ nước.
Gươm tôi đúng lửa, hào quang lòe ba cõi quỉ thần,
Binh dụng phải thời, hùng khí át hai vầng nhật nguyệt!

Còn mi,
Tay bốc tay hốt, sao không tu tánh sửa mình,
Trước bại sau thua, sao chẳng kiêng oai nễ mặt?
Nếu mi ngoan cố còn vẽ “lưỡi bò”, (3)
Thì ta quyết tâm luôn tung kiếm thép! (3)
Với chúng ta mà dám dựa pháo, cậy tàu,
Thì bọn mi sẽ tự lấy phân bôi mặt!

Một mai,
Dù cho gió đổi màu mây,
Dù cho máu pha màu cát.
Hoàng Sa ta cũng không cho mi lượm viên sỏi của Duy Mộng, Quang Hòa,
Hoàng Sa ta cũng không cho mi lấy… phân chim của Cam Tuyền, Vĩnh Lạc.(6)
Đó là công lao cha mẹ ta, dựng nên một dải sơn hà,
Đó là xương máu anh em ta, giữ yên ba miền tổ quốc.
Ta giữ nước bằng mưu trí thần sầu,
Ta giữ nước bằng chiến công oanh liệt!
Ta giữ nước bẳng một dân tộc anh hùng,
Ngươi “giữ nước” bằng dãy trường thành khiếp nhược!!

Cảm khái câu:
“Thà làm quỷ nước Nam”;
Hơn làm vua đất Bắc”.
Hoàng Sa ta,
Thân dựa mũi gươm,
Ngựa treo đầu giặc.
Đem xương gởi ở chiến trường.
Lấy máu giữ từng tất đất.
Hẹn với lòng một nhục một vinh,
Thề với giặc một còn một mất!

Nhớ cho,
Coi mặt mà bắt hình dong,
Hối hận bây giờ còn kịp!
Bút thép lời gang,
Hoàng Sa hạ bút!
____________________
Chú thích:
(1) Những con số minh họa. Tượng trưng cho nhiều, lớn.
(2) Đường Chữ U hay Đường Lưỡi Bò, là vùng biển mà Trung quốc tự khoanh vùng, rồi đòi làm hải phận cho mình
(3) “lưỡi bò”, “kiếm thép”. (Tác giả không viết hoa) dụng ý… “chơi chữ”!
(4) Sự kiện, năm 1974: Khi tàu HQ-5 bị địch bắn cháy, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tuẫn tiết theo tàu.
(5) Sự kiện năn 1988, Trung úy Trần Đình Phương trước lúc hi sinh, nói: “Thà hi sinh, chứ không để mất đảo!”
(6) Tên những đảo trong QĐ Hoàng Sa


Điểm mặt quân thù phú
Kha Tiệm Ly
Biển Đông cao sóng hờn căm,
Hải đảo cựa mình đau đáu.
Nhìn về Hoàng Sa, tan dạ nát gan,
Nghĩ tới Trường Sa, đứng tim sôi máu!
Hởi quân thù!

Chớ ỷ mạnh mà quen thói hung tàn,
Chớ cậy đông mà giở trò thô bạo!
Nói cho mi biết:

Đụng tới viên sỏi đảo ta, là đụng tới ngàn năm công đức tổ tiên,
Làm nhục một người dân ta, là làm nhục trăm triệu anh em máu thịt!
Hiếp biển nước ta, là bôi mặt nòi giống Tiên Rồng,
Cướp đất đảo ta, là sỉ nhục giang sơn Đại Việt!
Cha, chú ta, dân cày ruộng cũng là hảo hán anh hùng,
Mẹ, chị ta, người nấu bếp cũng là nữ lưu hào kiệt!
Trước họa nước, bao hiểm địa cũng thành Vạn kiếp, Chi Lăng,
Trước nạn dân, mọi trường giang đều hóa Bạch Đằng, Như Nguyệt!
Hồi trống trường, cũng thành trống trận thúc quân,
Bóng cờ lau, cũng thành bóng cờ quyết thắng!
Nói cho mi nhớ,

Triệu Nương, một dải yếm đào mà Lục Dận chẳng một tàn quân,
Trưng Vương, hai mảnh quần hồng mà Tô Định không còn manh giáp!
Sức mạnh ta là Hội Nghị Diên Hồng,
Khí thế ta là cánh tay sát thát!
Sao không lấy gương Liễu Thăng, Ô Mã mà soi?
Sao không lấy chuyện Thoát Hoan, Vương Thông mà xét?
Thấy Sầm Nghi Đống, treo cổ sao chẳng rớt tim?
Nghe Hứa Thế Hanh bỏ mạng mà chưa vỡ mật?
Thanh gươm Lê Lợi, trăm năm sau, mi vẫn còn phách mất hồn tan.
Vó ngựa Lý Thường, hai châu cũ (**), đất chẳng dám hoa khai cỏ mọc!
Với bọn mi,

Tổ tiên ta từng bẻ trúc rừng làm ngọn giáo dài,
Cha anh ta đã lấy lưỡi cày đúc thanh kiếm bạc.
Thế mà,

Đằng Giang mấy lần nhuộm máu, máu thù chẳng hết tanh hôi,
Đống Đa một trận phơi xương, xương giặc vẫn chưa rũ mục!
Chương Dương gươm khua chan chát, xác cản mũi tàu, xác nghẽn bước quân,
Khâm Châu sét nổ ầm ầm, máu ngập chân thành, máu dơ chân ngựa!
Huống chi nay,

Tiềm thủy đỉnh xuất quỷ nhập thần,
Chiến đấu hạm, đi giông về lốc.
Đầy căn cứ, muôn (*) dàn hỏa tiển đối không,
Nghẹt vùng trời, hàng đội phi cơ tiềm kích.
Cờ phất, đạn bay khiếp quỷ kinh thần,
Bấm nút, bom rơi long trời lở đất.
Tàu ta ầm ầm lướt biển, trèo lên sóng dữ gió to,
Quân ta ào ạt băng rừng, đạp nát cây gai lá sắc.
Gươm anh linh thép vẫn ánh ngời ngời,
Tim chính khí máu luôn sôi sùn sụt!
*
Dù vũ khí có chia rõ nhược, cường.
Nhưng ý chí mới định phân cao, thấp:
Quân mi mấy mươi vạn (*), mà Đằng Giang xác nổi như bèo?
Quân mi mấy mươi muôn, mà Hồng Hà thây trôi như rác?
Quân ta mấy vạn, mà xác bọn mi làm nghẽn đường chiến tượng Quang Trung?
Quân ta mấy muôn, mà máu lũ mi đã đẫm giáp chinh y Hưng Đạo?
Lớn miệng khoe đất rộng, mà chịu làm tôi tớ bởi bầy ngựa Nguyên Mông,
Cao giọng ỷ người đông, lại đành làm tai sai do mấy đoàn quân Nhật!
Chúng ta đây,
Hướng ra biển, triệu triệu anh em chung dạ sẵn sàng,
Muốn hồi hương, vạn vạn kiều bào một lòng háo hức.
Đem tim gan tôi đỏ chí quật cường,
Lấy đoàn kết, nấu sôi lòng son sắt!
Cờ tổ quốc đâu để nhạt màu,
Máu hùng anh không cho phai sắc!
Liệt sĩ Hoàng Sa luôn bám bước quân hành,
Liệt sĩ Gạc Ma vẫn theo người cứu quốc!
Từng đánh mi trăm trận, đã biết đâu đá đâu vàng,
Giờ thử lửa một phen, cho biết ai gang ai sắt?
Anh em ta,

Nam nhi hề, chí tại biển đông,
Chiến sĩ hề, thân treo đầu súng.
Cửu Long vẫn hiên ngang chín khúc hào hùng,
Hoàng Liên mãi sừng sững mấy tầng cao ngất.
Lúc gian nguy, ra trước ngõ lại thấy anh hùng
Buổi quốc nạn, xoay bai bên đụng người kiệt xuất!
Vì chung trăm trứng, nên đá nghìn non thương về hải đảo anh em,
Cũng bởi một nòi, mà nước muôn lạch tìm đến biển xanh cốt nhục.
Chung mẹ Âu Cơ, nên máu chảy ruột mềm,
Cùng cha Long Quân, mới lòng đau dạ thắt.
Trăm triệu đồng bào đều muốn vượt trùng khơi,
Mấy triệu anh em luôn hướng về cố quốc.
Bọn chúng bây, nào một lần cướp nước, hại dân,
Anh em ta, đã bao bận đuổi thù, giết giặc.
Thân vắt mạn tàu, bao anh hùng muôn thuở thơm danh,
Chết dưới ngọn cờ, máu liệt sĩ ngàn năm đỏ sắc!
Hét lên đi! Đại Việt hùng cường!
Vung tay lên! Việt Nam bất khuất!
Máu đọ máu thử coi ai đỏ ai đen?
Xương đọ xương thử xem ai vinh ai nhục?
Lời cuối cho mi:

Lịch sử Âu Lạc không thiếu đấng kiên trung,
Nhân dân Đại Cồ chẳng có người khiếp nhược!
Hải đảo ta một vùng khiêm tốn, vẫn đủ cho lũ giặc chôn thây,
Biển đông ta bốn hướng mênh mông, dư sức để muôn tàu dìm xác!
Ta nói có cội có nguồn,
Mi liệu tính sau tính trước!

KHA TIỆM LY
(Tên thật: Thái Quốc Tế
Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, P2, TP Mỹ Tho)
Chú thích: (*) những con số trong bài nầy chỉ có giá trị minh họa.
(**) Khâm Châu, Liêm Châu

Trường Sa tâm thư phú -  Kha Tiệm Ly 

Trộm nghe:
Giặc ngoài dễ phòng,
Bệnh trong đáng sợ!

Hãy xem, 
Hoàng Sa đã ngập trong chảo dầu sôi,
Biển Đông sắp chìm trong cơn bão tố.
Kẻ thất phu hừng hực thù căm,
Bậc trí giả  phừng phừng phẫn nộ.

Nhìn kẻ địch:


Bao phen cắt cáp hiếp tàu, diệu võ dương oai,
Mấy lượt tập trận dàn binh, khua môi múa mỏ.
Tàu cá khoang không tấc sắt, để nó bắn súng ngắn súng dài,
Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng nện cây to cây nhỏ!
Làm con nhớ cha, cạn lệ lâm li,
Để vợ khóc chồng, tàn canh vò võ.
Hải đảo ta mà chúng đóng quân, xem giống của chùa,
Lãnh hải ta mà chúng thăm dò, làm như của chợ!

Chớ nên,
 
Thấy đồng bào mình nhục, mà đành ngoảnh mặt làm ngơ,
Nhìn tổ quốc mình đau, lại cứ khoanh tay đứng ngó!
Nghe qua  mấy câu chính khí, cầm bằng ăn ớt ăn tiêu,
Đạp vào mặt kẻ yêu dân, tưởng chừng đạp heo đạp chó! 
Đi xe nệm dày một chống, bà ngồi êm đít sướng mông, 
Nhà dựng lầu ngót mấy tầng, ông ngước ngoẹo đầu trẹo cổ!
Thênh thang Hoàng Sa trăm dặm, địch đã cướp rồi xương máu cha ông.
Leo heo Tiên Lãng mấy sào, ngươi lại chiếm cho anh em giòng họ!
Ba hoa miệng lưỡi thì biết đâu ai quỉ ai người,
Bề thế tiện nghi thế mới rõ ai thầy ai tớ!
Mãi tham ô nên đất nước mãi nghèo,
Còn lãng phí nên nhân dân còn khổ:
Bỏ một màn lãng phí, sẽ cứu bao nạn dịch  thiên tai,
Gom mấy trận tham ô, xem còn hơn mưa giông bão lũ!
Lạm công quĩ nên vật giá leo thang,
Rút công trình nên cầu đường thành hố!
Xoay qua, xoay lại, để cầu lộc hưởng bách niên,
Xét tới xét lui, rõ là tội lưu thiên cổ!

Có hết đâu!

Là cậu tú, mà viết chữ còn trật hỏi, ngã, tê, xê, trông giống cua bò,
Đậu ông nghè, mà hỏi sử còn ngọng ú, ớ, u, ơ, tưởng đâu lưỡi đớ!
Người mưu ích nước lợi dân, thì đong bằng vỏ hến vỏ sò,
Kẻ lo chạy chức mua quan, lại lường bằng cái thau cái rổ!
Khi tàu vũ trụ đã đến sao hỏa, sao kim,
Mà nền quốc học còn ở bờ đê, đầu lộ!
Khác nào bộ máy cà tàng,
Giống y con tàu cổ lỗ!
Kẻ vô sỉ thì đầy như lông chó lông mèo,
Quan thanh liêm lại hiếm như sừng heo sừng thỏ!
Lệ buồn lịch sử phải khóc sụt sùi,
Mồm thúi quân thù lại cười hô hố!

Tỉnh lại đi!
Hãy soi đạo đức Hồ Chủ tịch để tự răn mình,
Hãy lấy tài năng Ngô Bảo Châu mà  làm xấu hổ.
Một trăm năm thuộc Pháp, lấy đó mà lo,
Một ngàn năm thuộc Tàu cớ chi không nhớ?
Chẳng thấy cái nguy phải chịu làm lệ làm nô,
Thì ở trong mơ cũng chẳng thành rồng thành hổ!

Một mai, 
Trường Sa bốn hướng sóng trào,
Tổ quốc ngập trời lửa đỏ.
Thì của tham ô có ngăn được hỏa tiễn địch rời giàn,
Thì tiền hối lộ có đánh tan chiến hạm thù đổ bộ?
Hơi rượu ngọt “hàng hiệu” không làm cho lũ giặc lui binh, 
Móng tay nhọn “chân dài” đâu xé được quân thù đứt cổ!

Đã tự hào:
“Một dân tộc anh hùng”
“Bốn nghìn năm lịch sử”.

Thì chớ quên câu:

“Dân gần trăm triệu mà lại yếu xìu,
Nước bốn ngàn năm vẫn như trẻ nhỏ!” (1) 
Chớ để quân thù coi cọc Bạch Đằng là… cọng lạt xỉa răng,
Đừng để kẻ địch xem gươm Lê Lợi là… cây kim may áo!
Mà cho chúng biết,
Gươm Lê Lợi chất thép vẫn ngời,
Sông Bạch Đằng máu xưa còn đỏ.(2)
Quân ta đi đường núi, ầm ầm mấy hướng núi mòn,
Tàu ta lướt biển đông, ào ạt bốn bên biển lở!
Đổ máu đào cho tổ quốc quyết sinh,
Khai hỏa lực cùng quân thù quyết tử!
Trường Sa ta,
Hiên ngang đi trên ngọn lửa hồng,
Dũng cảm đạp lên làn sóng dữ.
Mặt quân thù càng lạnh như băng,
Lòng chiến sĩ càng sôi như lửa.
Lấy ba miền tổ quốc làm nhà,
Lấy trăm đảo biển đông làm mộ.
So gươm cùng địch, để xem ai sắc ai cùn,
Đọ máu với thù, thử coi ai đen ai đỏ! 

Nay,

Tim sắt lòng son, 
Trường Sa  hạ bút./.

KHA TIỆM LY
(0987 701 952)

Chú thích:
(1) Nhại theo  thơ Tản Đà: “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”
(2) Trộm nghĩa câu: “ Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

8 comments:

  1. QUYẾT CHIẾN

    Toàn dân yêu nước phải đồng tâm
    Tổ quốc lâm nguy chẳng lẽ nằm ?
    Cái lưỡi (*) anh Trung luôn bất nghĩa
    Giàn khoan (*) lũ cướp, chớ mơ rằm…
    Ngàn năm… nhục thể còn lưu mãi
    Chẳng lẽ gian tà… trở lại hâm ?
    Thế giới nhân quyền, đều kết án…
    Việt Nam quyết chiến, bọn mầy câm.

    Đồng Nai, 12/05/2014
    Hạnh Trương

    (*) Yêu sách dùng chín đoạn hay còn gọi đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có pháp lý, trái với Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ- mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Hành động trên, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.
    (**) Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây chấn động dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng từng hai lần tìm cách tiến hành thăm dò tại khu vực này, nhưng đều rút đi sau khi vấp phải sự phản đối của Hà Nội.
    Tháng 6/2013, trong chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước còn nhất trí sẽ tìm phương thức tiến hành khai thác chung dầu khí. Với sự kiện lần này, Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ nguyện vọng hợp tác tích cực trên.
    Giới phân tích nhận định rằng chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo là tạo ra tình thế "chuyện đã rồi", từ đó ép đối phương hoặc là phải chấp nhận, hoặc là đi đến xung đột.
    "Việc hạ đặt giàn khoan đắt tiền trên dường như cho thấy Trung Quốc ngày càng muốn có hành động lấn tới, sau đó mới chịu tiến hành đàm phán ngoại giao", bình luận viên Jane Perlez của tờ New York Times đánh giá.

    ReplyDelete
  2. GỬI LÃNH ĐẠO TRUNG HOA
    Việt Nam giữ trọn mối tình Trung
    Chí vững thành tâm bậc đại hùng
    Chung hướng, vai kề nào bất nghĩa
    Cớ sao mặt lạnh, trở thành hung ?
    Hay là gian ác, sanh tà đạo !?
    Quên cả thánh hiền dạy thuỷ chung !
    Mau rút tàu… khoan, rời lãnh hải
    Nếu không… nhục nhã đến vô cùng…
    13/05/2014 – Hạnh Trương
    GỬI NHÂN DÂN TRUNG HOA
    Yêu nhà, mến bạn, quí thanh bình
    Nhân loại đồng tình, chống chiến chinh
    Cảnh sắc hồi sinh mừng thế giới
    Công quyền hội nghị chớ động binh !
    Việt Nam truyền thống xây đoàn kết
    Dân Quốc thời nay nối cảm tình ?
    Chớ mộng bá quyền gây biển lửa
    Hai bên khốn khổ, thiệt dân mình !!!
    13/05/2014 – Hạnh Trương

    ReplyDelete
  3. KÍNH ĐỨC THÁNH TRẦN
    Nước Việt muôn thời nhớ đại ân
    Vang danh Quốc Tuấn thuở nhà Trần
    Diên Hồng bô lão vừa dâng kế
    Tướng lĩnh Bình Than giục tiến quân *
    Ô Mã bị gươm vừa rụng cổ
    Thoát Hoan chui ống nhục vào thân
    Ba lần sông núi ghi hùng sử **
    Hậu thế trang lòng mãi kính dâng...!
    Đồng Nai, 14/03/ 2014
    Hạnh Trương
    * Khí phách Bình Than
    Trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, duy chỉ có nhà Trần được tôn vinh là “hào khí Đông A”. Nói đến “hào khí Đông A” là nói đến truyền thống đấu tranh kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự tôn dân tộc của nhân dân Đại Việt dưới triều Trần. Dòng nguyên khí triều Trần đã hòa chảy trong hào khí Kinh Bắc-Bắc Ninh.
    ** Quân đội nhà Trần phản ánh việc tổ chức quân đội của nhà Trần trong gần 200 năm tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Hoạt động quân sự nhà Trần diễn ra ở cả phía nam, phía bắc; cả bên trong và ngoài biên giới. Quân đội thời nhà Trần được đánh giá rất cao trong lịch sử quân sự Việt Nam vì những chiến công quân sự hiển hách, đặc biệt là sau ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Quân đội nhà Trần có tiếng vì sự tinh nhuệ, thiện chiến, kỹ luật cùng với những vị tướng chỉ huy tài ba trong thời kỳ này mà điển hình là Tiết chế Quốc công Trần Hưng Đạo. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

    ReplyDelete
  4. LƯỠI BÒ (*)
    Bò là động vật ngoan hiền
    Không biết bành trướng ở miền Biển Đông
    Bò là người bạn nhà nông
    Thật thà tốt bụng, yêu đồng lúa xanh
    Cớ sao trổ chứng lưu manh?
    Bỗng nhiên thích “gặm”mọi ngành biển khơi
    Mắt bò ngó tận Mã Lai
    Liếc sang “Phi Líp”chạy dài Việt Nam
    Đến đâu bò cũng tham lam
    Không ăn cỏ, chỉ thích dòm tài nguyên…
    Mong bò hãy tiếp lời khuyên
    Lui về lĩnh hải thuộc miền Bắc Kinh
    Chơi cho đúng luật, đúng tình
    Món gì không phải của mình - không “xơi”.
    Đức Hạnh
    (*)Yêu sách dùng chín đoạn hay còn gọi đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có pháp lý, trái với Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ- mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Hành động trên, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.

    ReplyDelete
  5. TÔN VINH CHIẾN SĨ VIỆT NAM
    Việt Nam chiến sĩ hiên ngang
    Xông pha chống kẻ bạo tàn xâm lăng
    Đội hình hải chiến đã giăng
    Xung phong chiến đấu dù rằng hy sinh
    Tấm gương toả sáng bình minh
    Gạc Ma máu nhuộm biển tình lung linh
    Sáu tư, đồng đội trải mình (*)
    Biến thành ngọn sóng thắm tình quê hương
    Hằng đêm sóng vẫn vấn vương
    Về hôn cột mốc, đảo Trường - Hoàng Sa
    Các anh dệt đẹp bài ca
    Thân, về đất Mẹ nở hoa thắm ngời.
    Việt Nam
    sông núi
    biển trời
    Mãi còn tiếng hát, muôn đời suy tôn.
    ...............Hạnh Trương...................
    (*)Các anh tham dự trận hải chiến, tại đảo Gac Ma,
    thuôc quần đảo Trường Sa (Khánh Hoà)
    Đã hy sinh : 14/03/1988

    ReplyDelete
  6. NGHĨA KHÍ NỮ VƯƠNG
    Chiến trận long trời lịch sử ta
    Trưng Vương Thống soái - nữ anh hoa (*)
    Mưu đồ Mã Viện - quân cướp nước
    Ý chí Chạ Binh - chủ giử nhà
    Thạch Thất, Quốc Oai, xương ngất núi
    Bắc Giang, Hồng, Đáy, máu băng hà
    Gương xưa rực sáng, lòng yêu nước
    Nghĩa khí rạng ngời, chính thắng tà.
    HẠNH TRƯƠNG
    Đồng Nai, 05/04/2014
    (*) Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa chống quân Hán
    Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Mẹ hai Bà là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có tinh thần yêu nước, có chí lớn.
    Trưng Trắc là vợ của Thi Sách, con trai Lạc tướng Châu Diên. Các Lạc tướng Mê Linh và Chu Diên có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định. Định bèn bắt giết Thi Sách để trấn áp tinh thần người Việt.
    Tháng 2/40, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh chống lại quân Hán. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.
    Ngày 30/2/41, nhà Hán thấy bà xưng vương dấy quân đánh lấy lại các thành.
    Tháng 1 năm 42, tướng Mã Viện nhà Hán tiến đánh Hai Bà. Năm 43, Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán và thua nhiều trận lớn ở vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn-Bắc Ninh), Cẩm Khê (Ba Vì-Hà Nội) nên đã gieo mình xuống Hát Giang tử tiết vào ngày 6/2/43.
    Người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
    Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh, ngoại thành Hà Nội - quê hương của Hai Bà.
    Bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971), khi phân tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có nhận xét: "Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là kết tinh của quá trình đấu tranh, khi âm thầm, khi công khai của nhân dân Việt Nam. Đấy là một phong trào nổi dậy của toàn dân vừa quy tụ vào cuộc khởi nghĩa ở Hát Môn do Hai Bà Trưng đề xướng, vừa tỏa rộng trên toàn miền Âu Lạc cũ. Khởi nghĩa đã thắng lợi vì đó là một phong trào có tính chất quần chúng rộng rãi chứ không phải là một hành động tự phát của một tù trưởng, một bộ lạc riêng lẻ".
    Cuộc khởi nghĩa năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo quả là bằng chứng hùng hồn của tinh thần yêu nước, yêu tự do cũng như khí phách "tấn công cả trời" của tổ tiên ta thời đó, ngoài ra nó còn định ra một loại hình chiến tranh trước đây chưa hề có mà sau này dân tộc ta thường phải sử dụng: chiến tranh phải giữ dân tộc.
    Khi ấy cả nước đang dưới ách thống trị của giặc Hán, từng huyện đều có quân thù, mà quân thù đang trong thế cường thịnh. Nổi dậy chống lại cả một ngoại tộc đô hộ có dư hơn hai trăm năm kinh nghiệm cai trị là một việc làm thật sự phi thường. Lại không chỉ giám nổi dậy mà còn nổi dậy đánh thắng, quét sạch chúng ra ngoài bờ cõi thì quả là vĩ đại.
    Làm được như vậy tất phải là phong trào của quần chúng, của toàn dân, trong đó có các vai trò của các tướng lĩnh.
    Về tướng lĩnh của Hai Bà, chính sử Việt Nam như Toàn thư, Cương mục chỉ ghi tên có một người là Đô Dương. Sử Trung Quốc như Hậu Hán thư cũng chỉ ghi có Đô Dương.
    Riêng Thủy kinh chú chép thêm Chu Bá. Cả sử Việt lẫn sử Trung Quốc đều không có viết gì về lai lịch hai nhân vật này.
    Như chúng ta đều rõ, cuộc khởi nghĩa cũng như cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo có tính chất toàn dân, chắc chắn là có nhiều anh hùng nghĩa sĩ ở hai miền đất nước đã quy tụ dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hai Bà.
    Có điều là sử sách bác học xuất hiện quá muộn nên không ghi chép được nhiều. Ngay sự nghiệp cứu nước vĩ đại của Hai Bà mà Toàn thư cũng chỉ ghi được có vài dòng sơ lược./.
    (TTXVN/Vietnam+)

    ReplyDelete
  7. BẾN SÔNG TRÀ
    Ba giải sông Trà (1) chốn tỉnh quê,
    Người đi muôn dặm vẫn thương về.
    Ấn cao lộng gió, hồi chuông tĩnh,
    Bút thắm tung mây, nỗi cảm đề.
    Đất nhỏ tương tàn, lưu huyết lệ,
    Trời hành bảo lụt, mãn tâm thê.
    Thế gian đây cõi nguồn hung hãn,
    Cát bụi tung tràn ngập bến mê.
    Nhật Quang
    HỒ PHI
    Orange County, Feb 12, 2012
    (1) Các sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu.
    Bài hoạ:
    NHỚ QUÊ
    (Mến tặng: anh Hồ Phi cùng Qúi bạn đồng hương Quảng Ngãi)
    Dòng chảy sông Trà, nhớ cảnh quê,
    Đồng hương lưu luyến… mộng mơ về,
    Mến yêu nhà cũ, nay hoang vắng,
    Bề thế cổng xưa, đã nhạt đề.
    Quảng Ngãi một thời, vang bóng mãi,
    Miền Trung mấy độ... quặn lòng thê !
    Khung trời kỷ niệm, mờ xa thẳm !
    Ký ức bổng ngời, quyện giấc mê…
    ĐỨC HẠNH
    Đồng Nai, Apr 08/2014

    ReplyDelete
  8. Bài xướng:
    NỖI TÌNH TANG
    (Vận thơ Nữ sĩ: Hồ Xuân Hương)
    {Nhị khúc thủ vĩ ngâm)

    Niềm nỗi tình tang ứ nghẹn dồn
    Hôm rồi mấy lượt thử vờn non
    Năm canh trợt ngã năm canh đủ
    Sáu khắc trườn lăn sáu khắc tròn
    Tiu nguỷu rèm tơ hoa xếp cánh
    Ngẩn ngơ vách nguyệt cuội se hòn
    Nghiêng tai chịu tiếng trâu già vậy
    Khớp lỏng gân nhùng lụy khổ con!
    oOo
    Khớp lỏng gân nhùng lụy khổ con!
    Tàn đêm sương phủ đá nghiêng hòn
    Ôi mưa chưa cạn nguồn tinh thủy
    Mà núi vội trơ mõm tháp tròn
    Quặn gánh giang sơn ngoe ngoảy bước
    Cạn bầu phong nguyệt vật vờ non
    Nghĩ thương cái thuở ngàn phương gió
    Hở nhấc chân lên phóng dập đồn.

    Lonely Ng (2014)

    *Bài hoạ 1:
    MỘNG ĐÊM XUÂN
    Đêm xuân leo dốc nhịp tim dồn
    Vượt thác băng ghềnh khoái núi non
    Trên đỉnh hoa rừng đang hé nụ
    Dưới đồi cỏ dại mọc xoe tròn
    Vườn tình róc rách cây ra quả
    Suối mộng đong đưa đá nổi hòn
    Ta cố trèo lên cho tới đích
    Tự hào chiếc gậy cỏn còn con !
    oOo
    Tự hào chiếc gậy cỏn còn con !
    Vẫn khoái trèo leo vượt đá hòn
    Đến núi chim gù đang gọi bạn
    Vào gò cỏ mọc dáng xoe tròn
    Lưa thưa đỉnh bộ hoa khoe sắc
    Rậm rạp vùng ven bướm thích non
    Em hỡi cùng ta lên tới đích !
    Đêm xuân nở mộng… nhịp tim dồn.

    HẠNH TRƯƠNG

    Bải hoạ 2:
    GIÓ THƠ

    Hè khuya kẽo kẹt gió thơ dồn
    Sẩm tối đà đưa đỉnh nước non
    Nguyệt láy nghiêng bồng gương trắng nõn
    Đồi chao khuất cuội lũng thâm tròn
    Sương nguồn cỏ phún lơ thơ ngọn
    Nước mạch gềnh rêu lác đác hòn
    Võng lắc u hoài trăng tẻ mọn
    Canh thòng tiếc mãi nụ tình con
    oOo
    Canh thòng tiếc mãi nụ tình con
    Hỏi bướm gò đa cuội mấy hòn
    Cội lão riềng thâm gai gốc nhọn
    Tình son ngọc thẳm lửa hương tròn
    Đành rằng nguyệt khuyết xuân hồi trọn
    Chẳng lẽ trăng già hạ đáo non
    Trở sắc gương lòa soi há gọn
    Hè khuya kẽo kẹt gió thơ dồn

    NHẬT NGUYỆT 2012
    Sàigòn 08/03/2014

    ReplyDelete