Wednesday, January 9, 2013

NÓI LẠI CHO ĐÚNG

* Cô Tú ơi, Tết năm nay tôi nằm nhà đọc các tờ báo xuân để tiêu khiển nhàn nhã. Trong bài: “Ngày xuân nói chuyện câu đối” của NGUYỄN HUY TOÀN trên tờ CAND xuân Canh Dần có 2 chi tiết có lẽ không được chính xác:
+ Tác giả bài thơ nổi tiếng “Ông đồ” là Nguyễn Đình Liên.
+ Còn câu đối:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” thì người viết cho rằng của sứ thần Giang Văn Minh đi sứ sang Tàu thời nhà Thanh. Đúng không?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Tác giả bài thơ “Ông đồ” là VŨ ĐÌNH LIÊN (không phải Nguyễn...).
+ 2 câu trên được ghi nhận trong cuộc đối đáp ngoại giao giữa quan nhà Nguyên là Vương Sĩ Hành và sứ nhà Trần là Phạm Sư Mạnh vào năm 1345, đời vua Trần Minh Tông. Trước đó, nhà Nguyên đã nhiều lần sai sứ sang thăm dò, hạch hỏi về chuyện cột đồng Mã Viện đời Đông Hán. Vương Sĩ Hành ra câu đối:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng đến nay đã xanh rêu) có ý nhắc lại nỗi nhục mất nước sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết.
Phạm Sư Mạnh đối lại:
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (sông Bạch Đằng từ xưa đã loang máu đỏ) cũng nhắc lại những trận thảm bại của Hoằng Thao và Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng.
Đời nhà Thanh không thấy có chuyện hạch sách này.
Sách “Nhất thống chí” nhà Đại Thanh ghi rõ: “Cột đồng ở về động Cổ Sâm thuộc châu Khâm”, coi đây là cột mốc biên giới giữa 2 nước. Nghĩa là thời Đông Hán; biên giới phía Bắc nước ta nằm sâu vào địa phận Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
Chiến sĩ thì xông pha chiến trận, một gang sông tấc đất cũng không để bị lấn chiếm.
Kẻ sĩ thì tung hoành bút trận, một câu một chữ cũng không để đối phương chiếm thượng phong.
Đó là đạo giữ nước, xưa này đều phải như vậy.
CÔ TÚ
Thứ Bảy, 01/05/2010, 09:00 (GMT+7)
Quán mắc cỡ
Quán Mắc Cỡ em mở bên đường,
Mua đi bán lại cái văn chương...
Thứ Tư, 05/05/2010, 21:49 (GMT+7)
Tuổi Trẻ Cười

No comments:

Post a Comment